Tổng hợp các biện pháp Trung Quốc đã thực hiện để giải cứu thị trường chứng khoán đang sụt giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Trung Quốc đã phục hồi trở lại sau khi vốn hoá thị trường bốc hơi 7.000 tỷ USD kể từ mức đỉnh năm 2021, nhờ vào những nỗ lực tăng cường giải cứu của các nhà chức trách nhằm tìm cách ngăn chặn thị trường sụt giảm năm thứ tư liên tiếp.
Tổng hợp các biện pháp Trung Quốc đã thực hiện để giải cứu thị trường chứng khoán đang sụt giảm mạnh

Chỉ số CSI 300 đã tăng 5,2% trong tuần này. Sự phục hồi diễn ra sau một loạt hỗ trợ chính sách nhanh chóng, từ hạn chế giao dịch đến cam kết của các quỹ đầu tư quốc gia nhằm tăng cường nắm giữ cổ phiếu cũng như mua vào các cổ phiếu ngân hàng lớn.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng phải hành động nhanh chóng và kiên quyết hơn nhằm chấm dứt đà sụt giảm của thị trường chứng khoán có nguy cơ làm suy yếu sự ổn định tài chính và xã hội, vào thời điểm nền kinh tế nước này đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng bất động sản và áp lực giảm phát dai dẳng. Các nhà chức trách cũng có vẻ muốn ngăn chặn tình trạng thị trường yếu kém tiếp tục làm giảm mức tiêu thụ khi Trung Quốc bước vào tuần nghỉ Tết Nguyên đán.

Diễn biến chỉ số CSI 300

Diễn biến chỉ số CSI 300

Dưới đây là danh sách các biện pháp đã được công bố hoặc báo cáo vào những ngày đầu năm mới khi Trung Quốc tìm cách hỗ trợ nền kinh tế và trấn an các nhà đầu tư.

Ngày 6/2:

Kêu gọi hỗ trợ chính sách tài trợ cho các nhà phát triển bất động sản

Theo một tuyên bố, cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã kêu gọi tiếp tục thực hiện nhanh chóng cơ chế phối hợp tài chính để hỗ trợ các nhà phát triển tại một cuộc họp.

Quỹ đầu tư vốn nhà nước cam kết hỗ trợ

Central Huijin Investment Ltd. - đơn vị nắm giữ cổ phần của chính phủ Trung Quốc tại các tổ chức tài chính lớn - cho biết sẽ mua thêm các chứng chỉ quỹ ETF. Cơ quan quản lý chứng khoán cam kết trong một tuyên bố rằng sẽ duy trì hoạt động ổn định của thị trường, đồng thời các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hướng dẫn các nhà đầu tư tổ chức và quỹ khác nhau tham gia thị trường với những nỗ lực lớn hơn.

Hỗ trợ M&A và tái cơ cấu

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết trong một tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các công ty niêm yết để nâng cao giá trị đầu tư thông qua M&A và tái cơ cấu.

“Đội tuyển quốc gia” mua cổ phiếu

Theo ước tính của Goldman Sachs, "đội tuyển quốc gia" đã mua khoảng 70 tỷ nhân dân tệ (9,7 tỷ USD) cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tháng 1. Ngoài ra, ngân hàng đầu tư này cũng ước tính rằng cần có 200 tỷ nhân dân tệ tương đương với 0,8% vốn hóa thị trường tự do chuyển nhượng để ổn định thị trường.

Đội tuyển quốc gia đề cập đến một nhóm quỹ đầu tư thuộc chính phủ Trung Quốc có nhiệm vụ hỗ trợ thị trường. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài, có thể bao gồm các ủy quyền ở nước ngoài cho các quỹ mà chính phủ quản lý đã mua thêm 1,7 tỷ nhân dân tệ cổ phiếu thị trường Trung Quốc thông qua các liên kết giao dịch với Hồng Kông hôm thứ Tư (7/2), đánh dấu phiên mua ròng thứ bảy liên tiếp.

Hạn chế bán cổ phiếu

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Trung Quốc đang thắt chặt các hạn chế giao dịch đối với các nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng như một số đơn vị nước ngoài khi các nhà chức trách cố gắng ngăn chặn tình trạng sụt giảm giá cổ phiếu ngày càng sâu sắc.

Các quan chức trong tuần này đã đưa ra giới hạn đối với các giao dịch hoán đổi tổng lợi nhuận xuyên biên giới của một số công ty chứng khoán với khách hàng, hạn chế một kênh mà các nhà đầu tư ở Trung Quốc có thể sử dụng để bán khống cổ phiếu Hồng Kông. Đồng thời, một số công ty chứng khoán Trung Quốc sử dụng kênh này để mua cổ phiếu Trung Quốc cho các đơn vị ở nước ngoài của họ được yêu cầu không giảm vị thế.

Ngày 5/2:

Kích thích tiền tệ

Trung Quốc đã bơm thêm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ vào thị trường hôm thứ Hai (5/2) khi việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng được công bố trước đó có hiệu lực.

Cơ quan quản lý kiểm tra với các công ty niêm yết

Theo một tuyên bố từ Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), các quan chức quản lý của Trung Quốc đã đến thăm các công ty niêm yết ở 20 tỉnh, thành phố từ ngày 29/1 đến ngày 4/2. Các cơ quan quản lý đang đẩy nhanh quá trình giải quyết các vấn đề mà các công ty niêm yết nêu ra về chính sách thuế, tài chính, đất đai, xuất nhập khẩu cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trợ giúp dành cho các nhà phát triển bất động sản

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang thiếu nguồn vốn cho biết một loạt dự án nhà ở của họ đã được liệt kê là đủ điều kiện nhận tài trợ theo chương trình mới nhất nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản đang suy yếu. Những hoạt động sôi nổi diễn ra chỉ ba tuần sau khi các nhà chức trách kêu gọi chính quyền địa phương soạn thảo danh sách các dự án đủ điều kiện nhận tài trợ. Các nhà hoạch định chính sách muốn các ngân hàng ngại rủi ro tăng cường cho vay đối với lĩnh vực bất động sản trong bối cảnh lĩnh vực chứng kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại đến mức yếu nhất trong hơn một năm trong quý IV, làm suy yếu khả năng hoàn thiện nhà của các nhà phát triển bất động sản.

Cam kết sẽ giải quyết rủi ro từ margin call

Các nhà đầu tư đang nhanh chóng xử lý các khoản vay ký quỹ vì việc bán tháo kéo dài có thể dẫn đến việc buộc phải thanh lý một số cổ phiếu. Đáp lại, cơ quan quản lý chứng khoán cho biết họ sẽ hướng dẫn các công ty chứng khoán điều chỉnh mức margin call và duy trì các giải pháp xử lý linh hoạt nhằm giảm áp lực từ việc ép bán cổ phiếu.

Ngày 4/2:

Cơ quan quản lý cam kết sẽ ngăn chặn “Biến động bất thường”

Cuối tuần qua, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã tuyên bố sẽ ngăn chặn những biến động bất thường, đồng thời cho biết họ sẽ hướng dẫn nhiều quỹ đầu tư trung và dài hạn hơn vào thị trường và kiểm soát các hoạt động bất hợp pháp bao gồm bán khống độc hại và giao dịch nội gián.

Ngày 1/2:

PBOC hỗ trợ nhà ở và cơ sở hạ tầng

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cung cấp nguồn vốn chi phí thấp trị giá 150 tỷ nhân dân tệ để cho vay đối với các dự án nhà ở và cơ sở hạ tầng vào tháng trước, nhằm tăng cường hỗ trợ nền kinh tế.

Mua cổ phiếu quỹ

Các công ty niêm yết ở thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã lần lượt chi 14 tỷ nhân dân tệ và 21 tỷ đô la Hồng Kông để mua lại cổ phiếu vào tháng trước, mỗi công ty đều đánh dấu kỷ lục kể từ năm 2021 khi Bloomberg bắt đầu tổng hợp dữ liệu.

28/01:

Hạn chế cho vay chứng khoán

Các cơ quan quản lý chứng khoán cho biết họ sẽ tạm dừng việc cho vay một số cổ phiếu nhất định để bán khống, đây cũng là nỗ lực mới nhất nhằm giúp thị trường chứng khoán sớm xác định đáy. Các nhà đầu tư chiến lược sẽ không được phép cho vay cổ phiếu trong thời gian phong toả như đã thỏa thuận.

Ngày 27/1:

Nới lỏng bất động sản

Là một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc, Quảng Châu tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế mua nhà nhằm ngăn chặn giá nhà sụt giảm. Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đã hạ thấp yêu cầu trả trước kể từ tháng 11.

Ngày 26/1:

Hỗ trợ dành cho nhà phát triển bất động sản

Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn cho biết sẽ cung cấp danh sách các dự án nhà ở đủ điều kiện nhận hỗ trợ vốn vào cuối tháng, nỗ lực mới nhất nhằm tăng cường cho vay bất động sản nhằm làm chậm sự suy thoái của ngành.

Cùng ngày, Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NFRA) đã kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ các yêu cầu của các nhà phát triển bất động sản đủ điều kiện bao gồm gia hạn các khoản vay hiện có và điều chỉnh các thỏa thuận trả nợ.

Ngày 24/1:

Cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng cho biết ngân hàng trung ương sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% vào ngày 5/2 để giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường. Thông báo này được đưa ra sau khi dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế quốc gia vẫn đang phải vật lộn với những thách thức lớn, đánh dấu mức cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lớn nhất kể từ năm 2021.

Vài giờ sau thông báo này, các cơ quan quản lý công bố nhiều biện pháp hơn, bao gồm mở rộng việc sử dụng các khoản vay bất động sản thương mại cho các nhà phát triển bất động sản để giúp họ trả các khoản nợ khác.

Cùng ngày, các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố các bước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bất động sản và mở rộng chương trình cho phép đầu tư cá nhân vào Khu vực Vịnh Lớn, khu vực có 70 triệu dân bao gồm Hồng Kông và các siêu đô thị ở phía nam như Thâm Quyến và Quảng Châu.

Ngày 23/1:

Gói giải cứu thị trường

Theo Bloomberg đưa tin, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét sử dụng khoảng 2.000 tỷ nhân dân tệ, chủ yếu từ tài khoản ở nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, như một phần của quỹ bình ổn để mua cổ phiếu trong nước thông qua liên kết trao đổi Hồng Kông. Họ cũng đã dành ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ từ các quỹ địa phương để đầu tư vào cổ phiếu trong nước thông qua China Securities Finance Corp. hoặc Central Huijin Investment Ltd.

Ngày 19/1:

Dấu hiệu mua vào của đội tuyển quốc gia

Tổng giao dịch tại một số quỹ ETF hàng đầu của nước này – thường được theo dõi để tìm dấu hiệu mua vào của nhà nước – đạt tổng doanh thu hàng tuần lớn thứ ba từ trước đến nay. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 7/2015 khi “đội tuyển quốc gia” cố gắng bù đắp áp lực bán tháo trong bối cảnh bong bóng thị trường vỡ.

Tổng giao dịch hàng tuần của 5 quỹ ETF (đại diện cho hoạt động mua vào của nhà nước)

Tổng giao dịch hàng tuần của 5 quỹ ETF (đại diện cho hoạt động mua vào của nhà nước)

Ngày 16/1:

Trái phiếu đặc biệt

Bloomberg News đưa tin Trung Quốc đang xem xét phát hành khoản nợ mới trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ được gọi kế hoạch trái phiếu chính phủ đặc biệt. Đề xuất được các nhà hoạch định chính sách cấp cao thảo luận sẽ liên quan đến việc bán trái phiếu chính phủ có thời hạn cực kỳ dài để tài trợ cho các dự án liên quan đến thực phẩm, năng lượng, chuỗi cung ứng và đô thị hóa.

Ngày 5/1:

Phát triển thị trường nhà cho thuê

PBOC và NFRA đã công bố hướng dẫn về hỗ trợ tài chính để phát triển thị trường nhà cho thuê. Điều này bao gồm chính sách khuyến khích các ngân hàng cung cấp các khoản vay cho các nhà phát triển bất động sản, khu công nghiệp, một số tổ chức và công ty ở nông thôn về việc xây nhà mới để cho thuê dài hạn hoặc cải tạo cơ sở vật chất hiện có cho mục đích đó.

Tin bài liên quan