Thường xuyên củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng để ứng phó kịp thời trong mọi tình huống       ảnh: Lê Toàn

Thường xuyên củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng để ứng phó kịp thời trong mọi tình huống ảnh: Lê Toàn

Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975: Chiến thắng của Cuộc ‘tổng động viên’ sức dân, lòng dân

Trong thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc ngày 30/4/1975, việc tổng động viên được toàn dân dốc mọi nguồn lực cho đòn đánh chiến lược cuối cùng chính là thành quả vĩ đại của việc thấu triệt tư tưởng chỉ đạo “lấy dân làm gốc”, mà trực tiếp nhất việc giương cao ngọn cờ “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ chủ động đón đầu thời cơ chiến lược…

Cuối năm 1972, sau trận “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng địa cầu, quân và dân ta đã buộc Chính phủ Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris (tháng 1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; chấp nhận rút quân chiến đấu Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; trong khi đó, quân đội “Bắc Việt” vẫn trụ lại hợp pháp khi cuộc chiến đang tiếp diễn quyết liệt.

Chỉ như vậy cũng đủ cho thấy, dù biện minh thế nào đi chăng nữa, thực tế người Mỹ đã phải công nhận trước toàn thể nhân loại tiến bộ trên thế giới rằng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Đây là thắng lợi rất to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra thế mới và lực mới, báo hiệu một thời cơ lớn để quân và dân ta giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối đang đến gần.

Nhạy bén và chủ động đón đầu thời cơ chiến lược này, Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiếp tục phất cao hơn nữa ngọn cờ “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của Bác Hồ, cùng đồng lòng, chung sức khẩn trương bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Nghe theo tiếng gọi khẩn thiết từ tiền tuyến miền Nam vào thời điểm bước ngoặt quyết định, từ năm 1973, hầu hết thanh niên miền Bắc đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), dù là học sinh, sinh viên, thầy giáo, kỹ sư, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, công nhân trên các công trường, nhà máy; cán bộ, công chức thuộc các cơ quan Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; thanh niên các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; thậm chí có cả những tín đồ phật giáo, công giáo… đều nhiệt tình hưởng ứng Luật Nghĩa vụ quân sự và lệnh Tổng động viên cục bộ của Chính phủ, tự nguyện lên đường vào Nam chiến đấu.

Nhiều người là con độc nhất, con cuối cùng của gia đình cũng viết huyết tâm thư tình nguyện gia nhập quân đội. Từ đây, một số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng được bổ sung đến các hướng chiến trường miền Nam: năm 1973 là 129.311 người (chiếm 0,58% dân số), năm 1974 là 117.545 người (chiếm 0,51% dân số).

Đặc biệt, khi thời cơ “ngàn năm có một” xuất hiện, Hội đồng chi viện chiến trường do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch được thành lập (tháng 3/1975), ngay lập tức đã có 238.646 cán bộ, chiến sỹ (chiếm 1,02% dân số miền Bắc) thần tốc hành quân vào chiến trường. Đó là chưa kể hàng chục vạn nam, nữ thanh niên khác tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên khắp miền Nam.

Trên chiến trường miền Nam, Quân giải phóng liên tục đẩy mạnh tiến công, giành những thắng lợi lớn. Các vùng giải phóng được mở rộng thêm mỗi ngày. Tại đây, bằng thực tế chiến đấu, tiếp xúc và giúp dân ổn định cuộc sống trong các vùng mới giải phóng, hình ảnh “anh bộ đội Cụ Hồ” - “chiến sỹ Quân giải phóng” đã nhanh chóng cảm hóa được tư tưởng, tình cảm của tầng lớp thanh niên - nguồn nhân lực tại chỗ rất quan trọng bổ sung cho lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Cùng với thời gian, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích tại các địa phương miền Nam số lượng không ngừng tăng lên theo từng năm: 1973: 117.128 người; 1974: 145.475 người và đến năm 1975 đã lên tới 296.184 người.

Song song với chuẩn bị lực lượng, một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, vũ khí rất lớn đã được toàn dân dốc sức huy động trong bối cảnh tình hình quốc tế lúc ấy diễn ra rất không thuận lợi. Nhưng do nỗ lực cao của toàn dân, đặc biệt nhất là có kế hoạch chuẩn bị dự trữ từ trước, đồng thời kết hợp với tích cực tập trung nghiên cứu sản xuất bổ sung kịp thời, nên quân và dân ta không bị động. Khối lượng vật chất chiến tranh đưa vào chiến trường hàng năm vẫn đảm bảo kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu tác chiến.

Động viên được số lượng nhân lực, khối lượng vật chất rất lớn đủ đáp ứng cho nhu cầu tác chiến ở thời điểm quyết định như vậy chủ yếu là nguồn từ hậu phương miền Bắc và nguồn dự trữ chiến lược từ nhiều năm trước (tính theo tỷ lệ cung cấp thì 80% quân số chủ lực, 81% vũ khí và phương tiện chiến tranh, 65% thuốc chữa bệnh và 60% xăng dầu do miền Bắc vận chuyển vào).

Riêng đối với nhiên liệu, tuyến đường ống xăng dầu từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đã kéo dài tới Bù Gia Mập (Thủ Dầu Một), với nhiều trục ngang dẫn đến các kho chiến dịch, có độ dài 5.000 km, với 316 trạm bơm đẩy và hút hoàn chỉnh đã nâng lưu tốc chuyển tải từ 6.5 triệu tấn lên 18.2 triệu tấn/km, do 8 trung đoàn đường ống đảm nhiệm, nên đã đưa khối lượng vận chuyển 1973 - 1975 lên 303.000 tấn, gấp 2 đến 3 lần khối lượng chuyển tải của 1965 - 1972. Thành công này là một trong những điểm mấu chốt, cơ bản nhất bảo đảm cho các binh đoàn cơ động chiến lược cùng số lượng rất lớn binh khí, vật chất, kỹ thuật “thần tốc” hành quân vào tham gia chiến đấu trên các hướng chiến trường.

Đi đôi với việc dồn mọi sức lực, mọi khả năng vật chất cho tiền tuyến miền Nam, trên khắp chiến trường, các đơn vị bộ đội chủ lực, địa phương, thanh niên xung phong và nhân dân các địa phương đã ngày đêm phạt rừng, bạt núi, xây dựng, mở rộng và hoàn chỉnh mạng đường cơ động chiến lược và chiến dịch.

Trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, đến giai đoạn 1973 - 1975, quân số phát triển đến hơn 10 vạn cán bộ, chiến sỹ và 1 vạn thanh niên xung phong, được tổ chức thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - 559. Trường Sơn  thực sự là biểu tượng sống động, sáng ngời về sức mạnh đại đoàn kết - sự đồng lòng, chung sức của toàn thể dân tộc Việt Nam trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mà đỉnh cao là Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

 … đến thấu triệt tư tưởng chỉ đạo “lấy dân làm gốc”

Như vậy, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giành thắng lợi quyết định, Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành một cuộc động viên tổng lực sức mạnh của cả dân tộc - cả ở hậu phương và tiền tuyến, huy động ở mức cao nhất sức người và sức của trong một thời gian rất eo hẹp so với độ dài thời gian và quy mô của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - chỉ trong vòng  hơn 2 năm (từ năm 1973 đến đầu năm 1975).

Kết quả của sự chuẩn bị thực lực này là cơ sở vững chắc ban đầu, nhưng có tính quyết định để Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xây dựng và từng bước hoàn thiện Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và phương án thời cơ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Có thể khẳng định rằng, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và kịp thời sức mạnh thực lực ưu thế này, thì chắc hẳn không có Đại thắng mùa Xuân 1975. Đây chính là nghệ thuật tổ chức và động viên tiềm lực của toàn dân tộc để “tung ra” đòn đánh quyết định kết thúc chiến tranh ở thời điểm lịch sử quyết định của Đảng Lao động Việt Nam trong chỉ đạo kháng chiến cứu nước nói chung và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng.

Đánh giá vai trò của hậu phương lớn miền Bắc, nhiều tướng lĩnh từng chỉ huy chiến đấu ở Việt Nam và các chuyên gia nghiên cứu chiến lược quân sự Mỹ đều thống nhất cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho Mỹ thua trận ở Việt Nam là không triệt phá được tiềm lực của miền Bắc.

Song, để động viên được toàn dân dốc mọi nguồn lực cho chiến tranh, đặc biệt là ở các thời điểm bước ngoặt chính là thành quả vĩ đại của việc thấu triệt tư tưởng chỉ đạo “lấy dân làm gốc”, mà trực tiếp nhất việc giương cao ngọn cờ “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nó không chỉ là vấn đề thắng bại đối với đất nước khi có chiến tranh, mà ngay cả khi xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình. Trong thời kỳ toàn dân tộc tiến hành kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhờ có cơ chế kinh tế - xã hội thống nhất chỉ đạo, điều hành một mối, nên việc tổng động viên là rất thuận lợi.

Trong điều kiện xã hội hiện nay, để đất nước không bị bất ngờ trong mọi tình huống, hơn lúc nào hết, vấn đề cốt lõi, nóng bỏng nhất là phải thường xuyên củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng chung sức của toàn dân. Đây cũng chính là vấn đề đặt ra cho Đảng, Chính phủ và Quân đội Nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cũng như trong tương lai và phải luôn đặt nó trong tình trạng cấp thời để nghiên cứu giải quyết; bởi nó là vấn đề có tính quyết định sự thắng hay bại của toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Tin bài liên quan