Tính đến thời điểm hiện tại, nợ xấu của TPBank khoảng 0,48% tổng dư nợ

Tính đến thời điểm hiện tại, nợ xấu của TPBank khoảng 0,48% tổng dư nợ

TPBank: Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống

(ĐTCK) Nằm trong số các ngân hàng phải tái cơ cấu, gắn liền với đó là câu chuyên nợ xấu, nhưng nhờ chú trọng đến công tác xử lý thu hồi các khoản nợ quá hạn, tính đến thời điểm 30/6/2015, tỷ lệ nợ xấu của TPBank đạt 0,97%, thấp nhất trong hệ thống các TCTD.

Nhìn lại thời điểm tái cơ cấu, đây là giai đoạn khó khăn trong hoạt động của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với thực trạng tài chính hoạt động kém hiệu quả, rủi ro tiềm ẩn cao. Hoạt động tiền gửi, cho vay tại các TCTD giảm mạnh (giảm 75% so với năm 2011). Việc thẩm định, đánh giá các TCTD khi cấp hạn mức chưa được chặt chẽ và liên tục dẫn đến các rủi ro phát sinh từ các khoản đầu tư này.

Hoạt động tín dụng của Ngân hàng bị hạn chế do tập trung nguồn vốn vào thị trường liên ngân hàng và thị trường trái phiếu. Số dư cho vay khách hàng chỉ chiếm 17% tổng tài sản, chất lượng tín dụng giảm sút nghiêm trọng với mức nợ xấu lên tới trên 7%, bộ máy quản trị rủi ro hoạt động kém hiệu quả, gặp khó khăn về thanh khoản…

Nợ tồn đọng thị trường 2 cả nghìn tỷ đồng dẫn đến việc phải trích lập dự phòng lớn, vì vậy số lỗ lũy kế năm 2011 của Ngân hàng rất lớn. Các khoản phải thu khác và khoản ủy thác tại thời điểm tái cơ cấu chiếm 19% tổng tài sản, trong đó 24% là các khoản khó đòi. Bên cạnh đó, hoạt động hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ chưa có hiệu quả. Ngân hàng chưa có hệ thống quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng. HĐQT, Ban điều hành mỏng về số lượng, yếu về chất lượng, chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ…

Để hoàn thành phương án tái cơ cấu được Thống đốc NHNN phê duyệt, bên cạnh sự hỗ trợ từ NHNN và các cơ quan ban ngành, là sự nỗ lực của chính Ngân hàng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Các vấn đề tồn tại đều được các bên hữu quan nhận diện và có phương hướng xử lý khả thi; các cổ đông, bộ máy điều hành mới đều quyết tâm và tâm huyết với Ngân hàng… Nhờ vậy, TPBank đã nhanh chóng thoát khỏi khó khăn”.

Đặc biệt, ngay tại thời điểm tái cơ cấu, TPBank đã chú trọng đến công tác xử lý, thu hồi các khoản nợ quá hạn. Ngân hàng đã thành lập Ban xử lý nợ có sự tham gia và chỉ đạo trực tiếp của các lãnh đạo cao cấp nên hoạt động xử lý nợ hiệu quả hơn.

Đến nay, bộ phận này đã được nâng cấp thành Khối Giám sát & Xử lý nợ với nhiều nhân sự dày dạn kinh nghiệm tại các TCTD quy mô lớn đảm nhận, hoạt động chuyên biệt tại Hội sở, nhằm quản lý, đánh giá, xử lý các khoản dư nợ ngay từ khi có dấu hiệu cần chú ý. Nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của Ngân hàng liên tục giảm mạnh sau tái cơ cấu.

Đến nay, TPBank được NHNN ghi nhận là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống các TCTD, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,48%.

“Các khoản nợ đủ điều kiện để bán cho VAMC đều được tích cực bán, cộng thêm tín dụng tăng trưởng tốt, chất lượng tín dụng được quản lý chặt chẽ, không để phát sinh nợ xấu mới..., đã làm cho nợ xấu của TPBank tốt hơn mức quy định. Do nợ xấu không lớn nên việc trích lập dự phòng thấp, không ảnh hưởng đến lợi nhuận và không còn là gánh nặng với TPBank”, ông Hưng chia sẻ.

Về nguồn vốn, vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của Ngân hàng tăng sau khi được duyệt phương án tái cơ cấu và được bổ sung từ 2 nguồn chính: tăng vốn điều lệ do các cổ đông góp để đảm bảo đủ vốn tối thiểu theo quy định của Nhà nước và từ lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh. Việc tăng vốn đã giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tổng tài sản và các tỷ lệ an toàn vốn do NHNN quy định, để có cơ sở phát triển ổn định và bền vững.

Chính vì thế, chỉ sau thời gian ngắn bắt tay vào tái cơ cấu, cuối năm 2012, TPBank đã hoạt động có lãi 116 tỷ đồng; năm 2013, Ngân hàng đạt 362 tỷ đồng lợi nhuận; năm 2014 đạt 536 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2015 đạt 342 tỷ đồng lợi nhuận. Tính đến thời điểm 30/6/2015, tổng tài sản của Ngân hàng đạt hơn 51.700 tỷ đồng, tăng 245% (tương đương 36.600 tỷ đồng) so với 31/12/2012 và tăng 300% (tương đương 38.700 tỷ đồng) so với thời điểm TPBank được Thống đốc NHNN phê duyệt đề án tái cơ cấu (30/6/2012). TPBank đã bù đắp hết toàn bộ lỗ lũy kế từ 2011 để lại.

Với đà phát triển vững vàng, HĐQT và Ban lãnh đạo TPBank xác định mục tiêu chiến lược từ nay đến 2020, TPBank sẽ trở thành một trong 15 ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Trong đó, tổng tài sản sẽ tăng trưởng bình quân 34%, huy động vốn tăng 32%, dư nợ tăng 25%, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch đạt khoảng 100 điểm, phủ rộng khắp cả nước, lọt vào câu lạc bộ các ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ. 

Tin bài liên quan