TP.HCM: Chưa nới lỏng ở 2 quận, huyện đã kiểm soát được dịch

0:00 / 0:00
0:00
Quận Phú Nhuận, Quận 5, Quận 11, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ là 5 trong số 7 quận, huyện được UBND TPHCM đặt mục tiêu kiểm soát dịch COVID-19 vào ngày 31/8.
TP.HCM: Chưa nới lỏng ở 2 quận, huyện đã kiểm soát được dịch

Chiều 3/9, tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lập tổ thẩm tra kết quả phòng, chống dịch COVID-19 tại quận Phú Nhuận, Quận 5, Quận 11, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ.

Đây là 5 trong số 7 quận, huyện ở Thành phố được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu kiểm soát dịch COVID-19 vào ngày 31/8.

Các tổ thẩm tra sẽ kiểm tra kết quả dựa theo tiêu chí tại Quyết định 3979 của Bộ Y tế. Cụ thể, tiêu chí kiểm soát dịch bệnh gồm có: Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch; tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính/số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày; không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày; giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ rất cao; giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ cao; giảm tối thiểu 30% các huyện, xã ở mức độ nguy cơ.

Trước đó, ngày 2/9 Ủy ban Nhân dân Quận 7 và huyện Củ Chi đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn. Đây là hai địa phương đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh công bố kiểm soát được dịch bệnh khi đã thành công bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca mắc mới và có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng cao.

Theo ông Phạm Đức Hải, sau khi Quận 7 và huyện Củ Chi công bố cơ bản kiểm soát dịch bệnh thì 2 địa phương này cũng chưa được phép nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Hai địa phương phải chờ đánh giá chung của các quận còn lại, sau đó trên cơ sở thẩm tra của tổ thẩm tra Ủy ban Nhân dân Thành phố mới có các biện pháp tiếp theo.

Cũng tại buổi họp báo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường sẽ triển khai chương trình "Vaccine tinh thần" từ ngày 5/9, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của dịch COVID-19.

Chương trình có 3 nhóm nội dung hoạt động chính: phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần, tham vấn và trị liệu tâm lý, hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19.

Các chuyên gia của chương trình sẽ tư vấn cho người dân tại các khu vực cách ly, khu vực đang chữa trị. Chương trình phối hợp với Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện dã chiến số 12 (phường Bình Khánh, thành phố Thủ Đức) để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân đang chữa trị tại đây. Bên cạnh tư vấn qua tổng đài 1022 của Thành phố, chương trình cũng tư vấn qua số điện thoại 0987111801.

Tính đến 18 giờ ngày 2/9, có 233.093 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố.

Trong ngày 2/9 đã có 4.172 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến 2/9 là 120.509); 230 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến 2/9 là 9.974).

Tính đến ngày 2/9, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 6.268.327 mũi vaccine phòng COVID-19.

Tin bài liên quan