Trách nhiệm công chứng viên "to" bằng nào?

Trách nhiệm công chứng viên "to" bằng nào?

(ĐTCK) Mới chỉ có một (1/1327) công chứng viên bị xử lý hình sự; chỉ có một (1/6,9 triệu) việc đã công chứng phải bồi thường. Rủi ro đạo đức của công chứng viên là lớn, nhưng trách nhiệm chưa tương xứng!

Quan ngại lớn nhất vẫn là chất lượng công chứng viên và rủi ro đạo đức. Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) ngày hôm qua (1/11).

Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) tập trung vào một số nội dung gồm: phạm vi công chứng, quản lý nhà nước về công chứng, bổ sung quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.

Đồng thời, Dự thảo xác định rõ hơn tư cách pháp lý của công chứng viên, quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, làm rõ quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, bổ sung một số quy định về việc thành lập và tổ chức hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng và một số nội dung cụ thể khác.

Về phạm vi, có ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi thành Luật Công chứng và Chứng thực nhằm thống nhất quy định về hai hoạt động liên quan mật thiết này trong cùng một văn bản.

Tuy nhiên, trọng tâm nhất vẫn là chất lượng và trách nhiệm của công chứng viên.

 

Trong 5 năm thi hành Luật công chứng, cả nước đã công chứng được gần 7 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được là 2.577,4 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được là 176,1 tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước là 977,4 tỷ đồng.

 

Sau 5 năm thi hành Luật công chứng, cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 Phòng công chứng và 487 Văn phòng công chứng. Tổng số công chứng viên được bổ nhiệm là 1.606 người (tăng 1.253 người), trong đó có 1.180 công chứng viên đang hành nghề

Theo đại biểu Phạm Huy Hùng (Chủ tịch Vietinbank), báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết có tình trạng năng lực công chứng viên còn yếu, dẫn đến sai sót ảnh hưởng chất lượng văn bản công chứng. Tuy nhiên, tỷ lệ bị xử lý hình sự và vụ việc phải bồi thường lại không đáng kể. Mới chỉ có một (1/1327) công chứng viên bị xử lý hình sự; chỉ có một (1/6,9 triệu) việc đã công chứng phải bồi thường

Do đó, đại biểu Hùng đề nghị phải có chính sách làm rõ hạn chế bất cập của hoạt động công chứng, làm rõ đâu là bất cập của luật, đâu là vấn đề do chính công chứng viên.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, do Luật công chứng 2006 quy định về tiêu chuẩn công chứng viên đơn giản dễ dãi nên số lượng tăng nhanh mà chất lượng không đảm bảo.

“Tôi tán thành tăng thời gian đào tạo đối với công chứng viên và thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.

Một trong nguyên nhân dẫn đến chất lượng công chứng yếu kém là do thiếu bộ quy tắc hành nghề công chứng tại Dự thảo luật có quy định về bộ quy tắc hành nghề nhưng lại giao cho tổ chức hành nghề ban hành.

Có đại biểu cho rằng bộ quy tắc này rất quan trọng và phải do bộ Tư pháp ban hành. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần quy đinh rõ các hình thức kỷ luật khi công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Các đại biểu còn đặt vấn đề về trách nhiệm của công chứng viên đối với văn bản đã công chứng nhất là khi công chứng viên không còn hành nghề, chuyển sang tổ chức hành nghề khác hoặc là văn phòng chông chứng giải thể. Liệu có nên quy định ràng buộc trách nhiệm đến cùng của công chứng viên với văn bản đã công chứng hay không? Đây là vấn đề cần làm rõ.

Bên cạnh nội dung Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), trong chiều ngày hôm qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Quy hoạch tổng thể thủy điện.

>> Kỳ họp Quốc hội thứ 6 - Nóng bỏng các vấn đề kinh tế

>> 12 tháng, tiếp nhận tới 2.545 đơn khiếu nại, tố cáo

>> Công chứng thu nghìn tỷ, cạnh tranh không lành mạnh

>> 6 năm, phí công chứng thu được gần 2.600 tỷ đồng