Hàng chục trái chủ trái phiếu An Đông, Quang Thuận… kêu cứu tại Báo Đầu tư.

Hàng chục trái chủ trái phiếu An Đông, Quang Thuận… kêu cứu tại Báo Đầu tư.

Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử - Bài 1: Khi ông cụ, bà lão cũng thành nhà đầu tư trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Họ không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí là ông lão hưu trí, bà cụ bán nước mía, bỗng sở hữu trái phiếu có rủi ro cao nhất mà ngay cả trái chủ lão luyện còn “run tay”.

Lời Tòa soạn: Hàng chục ngàn trái chủ trái phiếu doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát đang kêu cứu trong cảnh “con kiến leo cành cụt”, tạo nên nhiều “điểm nóng” trên cả nước và tác động lớn tới thị trường trái phiếu. Trong khi đó, các nhà phát hành biệt tích hoặc không trả lãi, không mua lại, còn các công ty chứng khoán và tổ chức tài chính trung gian thì dễ dàng “phủi tay”.

Bài 1: Khi ông cụ, bà lão cũng thành nhà đầu tư trái phiếu

Họ không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí là ông lão hưu trí, bà cụ bán nước mía, bỗng sở hữu trái phiếu có rủi ro cao nhất mà ngay cả trái chủ lão luyện còn “run tay”.

Tới giờ vẫn chưa biết cách bảo vệ mình

Trước khi đến Báo Đầu tư kêu cứu, hàng chục khổ chủ trái phiếu An Đông (Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông), Quang Thuận (Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận), Thiên Phúc (Công ty TNHH một thành viên Khách sạn quốc tế Thiên Phúc)… đã tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nộp đơn tố cáo rằng, họ bị gài bẫy thành trái chủ, có nguy cơ bị “bốc hơi” hàng tỷ đồng tích cóp do doanh nghiệp phát hành hoặc im hơi lặng tiếng, hoặc không trả lãi, không mua lại…

Theo quy định pháp luật, người đi khiếu nại tố cáo phải chủ động thu thập, cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Thế nên, chúng tôi yêu cầu trái chủ cung cấp hồ sơ như đã gửi cơ quan công an. Nhưng chúng tôi sững lại khi chồng chất hồ sơ phần lớn là những giấy tờ bất lợi cho chính nạn nhân.

Đó chỉ là hợp đồng mua bán trái phiếu, giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu, ủy nhiệm chi và tất cả đều có chữ ký của chính khổ chủ với bên liên quan về việc chấp thuận mua trái phiếu, trở thành trái chủ. Làm sao những chứng cứ này đủ cơ sở để tố cáo, buộc trách nhiệm ai đó? Trong khi đó, đầu tư trái phiếu thì phải chấp nhận rủi ro.

“Chúng tôi chỉ là người buôn thúng bán bưng, hoặc giáo viên, bộ đội về hưu đi gửi tiền tiết kiệm rồi bị ‘bẫy’ thành trái chủ, chứ có biết trái phiếu là gì đâu, nên có biết phải tìm kiếm bằng chứng gì để cứu mình đâu, chỉ có từng ấy giấy tờ…”, trái chủ P.T.Nhàn (63 tuổi, ngụ tại TP. Thủ Đức) cùng hàng loạt khổ chủ khác tức tưởi.

Không chỉ hướng dẫn cho các khổ chủ cách thu thập chứng lý, đích thân chúng tôi cũng “xắn tay” điều tra tìm kiếm, rồi cung cấp cho họ, để họ tự bảo vệ mình, bởi có những sự bất lực nhất định của những người già, của bà bán nước mía hay cô giáo về hưu.

Chưa từng là trái chủ chuyên nghiệp

Hàng loạt bản sao kê giao dịch trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới khi chuyển tiền mua trái phiếu của các khổ chủ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), cùng lý lịch cá nhân và các văn bản của các bên liên quan… đều thể hiện, họ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Như trái chủ P.T.Bình (56 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) chỉ là bà bán nước mía, đã mang gần 1,3 tỷ đồng tới SCB gửi tiết kiệm. Nhưng sau sự “dẫn dắt” của nhân viên giao dịch SCB, bà lại chuyển thành mua trái phiếu An Đông và dòng tiền về đã thành con số… 0.

Theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư, chỉ riêng 3 mã trái phiếu An Đông đã có khoảng 40.000 khách hàng mua qua SCB, gồm 17.400 người sở hữu trái phiếu ADC.2018.09, hơn 5.000 người mua lô ADC.2018.09-01 và hơn 15.500 người mua lô ADC.2019.01.

Hay trái chủ P.T.Nhàn đã 63 tuổi rồi, không có bằng cấp, chứng chỉ gì liên quan ngành tài chính, kinh tế, mà chỉ là bộ đội về hưu ngụ tại TP. Thủ Đức. Dòng tiền vào từ sao kê thể hiện sự tích cóp từ đồng lương hưu, từ tiền con cái cho dưỡng già… được 3 tỷ đồng tại tài khoản SCB Chi nhánh Đinh Bộ Lĩnh. Dòng tiền ra, lúc chỉ mua quà cho cháu, cho con…, rồi tất cả dừng lại từ lúc chuyển đi mua trái phiếu An Đông.

Trong khi đó, ông T.Q.My (66 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) cùng vợ tích cóp hơn 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại SCB Chi nhánh Nguyễn Sơn để lấy lãi lo thuốc thang lúc ốm đau, giờ tiền có nguy cơ “bốc hơi” theo trái phiếu An Đông. Còn bà T.T.T. (61 tuổi) suốt 36 năm qua chỉ làm trong ngành giáo dục rồi về hưu, mà trở thành trái chủ khi dính gần 1 tỷ đồng…

Trang báo có hạn, không thể liệt kê nổi “trái đắng” của từng trái chủ, bởi 3 mã trái phiếu An Đông giao dịch tại SCB có tới khoảng 40.000 trái chủ, chưa nói trái phiếu Quang Thuận, Thiên Phúc. Nhưng bằng chứng thể hiện, đa số họ đều giao dịch mua trái phiếu từ tài khoản tại SCB.

Điều này được chính Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI, doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán trái phiếu cho họ) thể hiện trong hàng loạt văn bản. Mới nhất là Văn bản số 269/2023/CV-TVSI ngày 24/5/2023 với nội dung: “TVSI ký hợp đồng hợp tác với SCB. Theo hợp đồng, TVSI gửi các thông tin liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cho SCB. SCB có trách nhiệm giới thiệu chính xác đầy đủ thông tin trái phiếu cho nhà đầu tư… Trường hợp nhà đầu tư đồng ý mua trái phiếu, thì sẽ thực hiện các bước ký hợp đồng, chuyển tiền mua trái phiếu tại địa điểm giao dịch của SCB”.

Bằng chứng cũng thể hiện, đa phần người tố không phải là trái chủ chuyên nghiệp là có cơ sở. Cụ thể, trước bức xúc của trái chủ N.T.P.Uyên cho rằng, bị SCB bẫy vì không là trái chủ chuyên nghiệp, ngày 24/3/2023, SCB có Văn bản số 101/TB-CSBQ3.23.00 phản hồi rằng, đã đề nghị TVSI làm rõ và nhận được hồi đáp: “Theo quy định chuyển tiếp của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, thì đối tượng mua trái phiếu không bắt buộc phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”. Nhiều phản hồi khác của SCB với nhiều trái chủ cũng tương tự.

Như vậy, TVSI không phủ nhận việc bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rủi ro nhất cho bất kỳ ai, có hay không có kiến thức đầu tư tài chính.

Nghiệt ngã là, các mã trái phiếu An Đông, Quang Thuận, Thiên Phúc… gây tan cửa, nát nhà cho trái chủ, tạo nên những điểm nóng an ninh trật tự hiện nay đều đồng loạt chọn thời điểm phát hành trước khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra đời.

Niềm tin bị… đánh cắp

Điều khó hiểu, các trái phiếu trên đều từ doanh nghiệp chưa niêm yết, tình hình tài chính chưa công khai, minh bạch và đều ở dạng có rủi ro cao nhất với 3 hoặc 4 không (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán), khiến cả nhà đầu tư chuyên nghiệp còn “run tay”. Vậy tại sao những “ông cụ, bà lão” lại “gan to” tới mức vét sạch tiền tỷ ra mua?

Trái chủ T.T.T (hơn 1 tỷ đồng trái phiếu) bật lời tức tưởi: “Tôi 36 năm làm ngành giáo dục, cũng có chút hiểu biết, chứ không phải không biết gì, nhưng vì quá tin tưởng nhân viên SCB tư vấn nên mới bị dẫn dắt. Cứ nghĩ đang gửi tiết kiệm hình thức mới, có ai ngờ đang mua trái phiếu”.

Còn trái chủ H.T.H.Hoa (hơn 200 triệu đồng trái phiếu) bức xúc: “Tôi tới SCB Thanh Đa để gửi tiết kiệm, thì nhân viên SCB dụ mời chuyển sang mua trái phiếu, mà không tư vấn về thông tin doanh nghiệp, phát hành, rủi ro, còn khăng khăng rằng, có SCB đảm bảo, muốn rút tiền linh hoạt lúc nào cũng được, sau 31 ngày. Tôi tưởng nhầm là trái phiếu của SCB nên…”.

Hàng loạt tin nhắn của nhân viên SCB còn lưu giữ trong điện thoại trái chủ thể hiện những lời trên là có cơ sở. Cụ thể, trước thắc mắc của bà N.T.V “không biết gì về trái phiếu làm sao tham gia nè?”, nhân viên SCB tên H. hồi đáp “Dạ, cũng giống như gửi tiết kiệm thôi chị. Được rút linh hoạt như chứng chỉ tiền gửi, chỉ khác tên gọi…”.

Hoặc tin nhắn của nhân viên SCB tên D.: “Cô yên tâm nha. Con bảo đảm á. Bên con không liên kết mấy công ty ngoài ngân hàng đâu. Công ty An Đông cô mua cũng là cổ đông lớn của ngân hàng nên cô yên tâm”.

Tưởng như gửi tiết kiệm, không biết trái phiếu doanh nghiệp nào, vậy tại sao lại ký vào hợp đồng mua bán trái phiếu với TVSI, mà trong hợp đồng lại ghi rất rõ trái phiếu của ai?

Trái chủ N.T.B (56 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) òa khóc phân bua: “Tôi ít học, viết chữ phải viết từ từ, đọc thì cũng phải ráp từ từ mới hiểu. Nên khi chuyển tiền mua trái phiếu xong, nhân viên SCB mới mang hợp đồng, rồi chỉ chỗ nào tôi ký chỗ đó, chứ có đọc hiểu gì đâu. Vì tôi tới SCB nên tôi tin. Giờ không có tiền, con bị nợ nần không thể trả, bản thân tôi cũng bị bướu trong người, cần tiền chữa bệnh. Đau lắm, tối ngủ không được”.

Còn trái chủ V.T. Hà (53 tuổi, quận 11, mua 900 triệu đồng trái phiếu) uất ức kể rằng, nhân viên SCB yêu cầu bà làm ủy nhiệm chi chuyển tiền mua trái phiếu trước, tức tạo tình thế “gạo đã nấu thành cơm”, rồi 7-10 ngày sau mới mang hợp đồng tới, lật trang chỉ tận chỗ cho ký. “Cũng bởi quá tin tưởng nên… Giờ tôi không còn tiền mà đi sinh thiết theo yêu cầu bác sĩ, do hạch nổi đầy mặt, một bên mắt không nhìn rõ. Ăn không có tiền ăn, sao có tiền mà chữa bệnh”, bà Hà lại bật khóc.

Hàng loạt trái chủ khác cũng vậy, đều cho rằng, bởi quá tin tưởng SCB, tin tưởng những nhân viên ngân hàng xưng “con cháu” vốn lâu nay thường giao dịch với họ, nên mới biến thành trái chủ và nếm… trái đắng đến tan gia bại sản, tan cửa nát nhà.

Trước khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 ra đời, năm 2018-2019, An Đông phát hành cả 3 đợt trái phiếu, thu về gần 25.000 tỷ đồng; Quang Thuận phát 60 lô trái phiếu mã QT.H2025.01 đến QT.H2025.60, huy động được tới 6.000 tỷ đồng; Thiên Phúc phát hành 30 lô trái phiếu mã THP.H2025.01-THP.H2025.30 với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.

Tất cả đều là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có rủi ro cao nhất, bởi không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không hoặc có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán và đang gây cho hàng chục ngàn trái chủ bức xúc khiếu kiện khắp nơi. Hiện ngoài An Đông đã bị khởi tố điều tra, thì 2 công ty Quang Thuận và Thiên Phúc nằm trong dánh sách hơn 700 doanh nghiệp phải rà soát của cơ quan công an liên quan Vạn Thịnh Phát.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan