Tranh cãi ở Mỹ về giám đốc tình báo quốc gia được ông Trump đề cử

John Ratcliffe, người bị tố "trung thành mù quáng với Trump", được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia Mỹ vốn không phục vụ đảng phái nào.
John Ratcliffe, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ được Tổng thống Donald Trump chỉ định. Ảnh: Reuters.

John Ratcliffe, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ được Tổng thống Donald Trump chỉ định. Ảnh: Reuters.

Vài giờ trước khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chỉ định đảm nhận cương vị giám đốc tình báo quốc gia Mỹ thay người tiền nhiệm Dan Coats sẽ rời nhiệm sở từ ngày 15/8, nghị sĩ John Ratcliffe trả lời trên kênh Fox News rằng cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ có thể đã "bị phá hoại".

"Điều tôi biết với tư cách một cựu công tố viên liên bang là dường như đã có những hành vi phạm tội xảy ra trong chính quyền Obama", Ratcliff nói hôm 28/7, nhắc tới nguồn gốc cuộc điều tra do FBI thực hiện về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với phía Nga. Ratcliffe không nói rõ những hành vi phạm tội này là gì, cũng không cung cấp bằng chứng cụ thể.

Những phát ngôn từ Ratcliffe, một trong những nghị sĩ đảng Cộng hòa bảo thủ nhất, lập tức thu hút sự chú ý của các quan chức tình báo Mỹ đương nhiệm lẫn nghỉ hưu. Họ lo ngại rằng trên cương vị lãnh đạo cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ, Ratcliffe sẽ chính trị hóa một trong những công việc phi đảng phái nhất ở Washington.

"Ratcliffe giống như kiểu người chỉ thích làm hài lòng Trump mà thôi", cựu giám đốc CIA John Brennan nhận xét.

Theo cựu quan chức điều hành CIA John Sipher, cộng đồng tình báo Mỹ sẽ đấu tranh quyết liệt để chống lại thứ sẽ đe dọa tới văn hóa phi đảng phái của họ.

"Tất cả những gì chúng tôi hướng tới là sự chuyên nghiệp và đánh giá sự việc như nó vốn có. Không có thứ gì là tình báo của đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Mọi thứ phải chính xác, dù chúng gây khó chịu ra sao", ông nói.

Giám đốc Cơ quan Tình  báo Quốc gia Mỹ Dan Coats, người sẽ rời vị trí sau nửa tháng nữa, đã làm việc theo tôn chỉ trên. Ông công khai các đánh giá tình báo dù chúng đôi khi trái ngược với quan điểm của Tổng thống Trump. Ông tập trung vào nghi vấn Nga can thiệp bầu cử, vấn đề mà Trump coi là mối đe dọa. Theo một số nguồn tin, chính tính bộc trực này của Coats khiến ông nảy sinh bất đồng với Tổng thống Trump và phải từ chức.

Trái với Coats, Ratcliffe lại tập trung vào những gì ông coi là sai lầm trong cuộc điều tra Nga và không dành nhiều thời gian để nói về nghi vấn Nga can thiệp hệ thống chính trị Mỹ.

Trong phiên điều trần hồi tuần trước với cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller, Ratcliffe chỉ trích báo cáo của Mueller và cáo buộc ông vi phạm các quy tắc đối với công tố viên đặc biệt.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện, cho rằng Ratcliffe được chọn vì "lòng trung thành mù quáng đối với Tổng thống Trump" sau khi ông chỉ trích báo cáo của công tố viên đặc biệt Mueller.

Ratcliffe, 53 tuổi, có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh quốc gia và tình báo. Ông giữ chức thị trưởng thành phố Heath, bang Texas, từ năm 2004 đến 2012. Trong thời gian này, Ratcliffe trở thành một công tố viên liên bang, được bổ nhiệm làm lãnh đạo ban chống khủng bố và an ninh quốc gia của quận Đông Texas. Năm 2007, Ratcliffe được tổng thống George W. Bush đề bạt làm quyền chưởng lý quận.

Trang web của Ratcliffe mô tả ông là người "tống những phần tử khủng bố vào tù" nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ông từng khởi tố một vụ án liên quan tới khủng bố.

Ratcliffe sau đó được chỉ định trở thành công tố viên đặc biệt phụ trách một vụ án tài trợ khủng bố tại Dallas, trong đó tổ chức từ thiện Hồi giáo U.S. v. Holy Land bị kết tội chuyển tiền cho nhóm khủng bố Hamas của Palestine.

Một thông cáo báo chí năm 2015 từ văn phòng của Ratcliffe tuyên bố ông đã "kết án các cá nhân tài trợ cho Hamas thông qua một tổ chức từ thiện bình phong".

Tuy nhiên, tên của Ratcliffe lại không xuất hiện trong hồ sơ tòa án của Holy Land. Khi được hỏi về điều này, phát ngôn viên của Ratcliffe cho biết bộ trưởng tư pháp Mỹ lúc đó chỉ muốn điều tra xem liệu có sai phạm trong hai phiên tòa đầu tiên của vụ án hay không. Cuối cùng, đây lại là hai phiên tòa xử sai thủ tục.

Dưới thời chính quyền Obama, Ratcliffe trở về lập công ty riêng. Ông từng có thời gian ngắn phục vụ trong chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Mitt Romney hồi năm 2012.

Chuck Rosenberg, cựu công tố viên liên bang từng làm việc với Ratcliffe, cho hay ông luôn nghĩ Ratcliffe là một người "đàng hoàng và đáng kính". Nhưng khi chứng kiến những chỉ trích của Ratcliffe nhắm vào Mueller, ông cho rằng đây là hành động "không công bằng, thiếu tôn trọng và sai trái". "Điều này khiến tôi buộc phải suy nghĩ lại", ông nhấn mạnh.

Tin bài liên quan