Triển vọng lĩnh vực xây dựng: Phân hóa mạnh giữa các nhóm dân dụng và hạ tầng

Triển vọng lĩnh vực xây dựng: Phân hóa mạnh giữa các nhóm dân dụng và hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi ngành xây dựng dân dụng có tốc độ phục hồi chậm theo ảnh hưởng từ tốc độ của ngành bất động sản, thì ngành xây dựng hạ tầng lại cho thấy triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

Theo báo cáo cập nhật mới nhất ngày 30/9/2020 của CTCP Chứng khoán dầu khí PSI, kể từ đầu năm tới nay, mặc dù không phải là là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất như ngành hàng không, du lịch, F&B... trong đại dịch nhưng ngành xây dựng vẫn chịu tác động không nhỏ.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành xây dựng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 4,5%, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ là 1,81%, tuy nhiên, vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,85% của 6 tháng đầu năm 2019.

Phân tích sâu về từng ngành, xây dựng dân dụng kém hơn so với xây dựng hạ tầng.

Trong vài năm vừa qua, xây dựng dân dụng phát triển ổn định nhờ lĩnh vực bất động sản phát triển. Tuy nhiên, kể từ năm 2018 đến hiện tại, thị trường bất động sản hạ nhiệt cũng như số lượng dự án mới cấp phép hạn chế do các vấn đề pháp lý đã kéo lĩnh vực xây dựng dân dụng tăng trưởng chậm lại.

Đánh giá của các chuyên gia phân tích thuộc PSI cho biết, nhiều khả năng lĩnh vực xây dựng dân dụng sẽ hồi phục chậm từ 2020 – 2021 nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản sẽ cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với xu hướng phát triển mới.

Cụ thể, các mặt bằng và toà nhà văn phòng sẽ cơ cấu lại để tăng tính linh hoạt trong việc đáp ứng các nhu cầu thuê đa dạng từ khách thuê; các khách sạn đang chờ sự quay lại của nhóm khách du lịch theo đoàn; sức mua của người dân bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid.

Trong trung và dài hạn, PSI vẫn đặt góc độ lạc quan ngành xây dựng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực nhờ dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa cao của Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2019, dân số Việt Nam đạt khoảng 96,2 triệu người, đứng thứ ba trong Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới. Dân số Việt Nam trẻ (độ tuổi trung bình là 31) và đang trong thời kỳ dân số vàng với khoảng 46,8 triệu dân đang trong độ tuổi lao động.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), thời kỳ dân số vàng tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2006 và được dự kiến sẽ kéo dài tới 2033. Tại cuối thời kỳ dân số vàng, nhu cầu xây dựng sẽ chuyển dịch từ trường học, nhà máy, văn phòng… sang các công trình y tế để phục vụ dân số đang già hóa.

Xu hướng đô thị hóa thúc đẩy nhu cầu nhà ở, công trình thương mại, công cộng và cơ sở hạ tầng đô thị. Tới nay, mới chỉ trên 1/3 dân số Việt Nam sống ở các khu vực đô thị, khá thấp so với các nước khác trong khu vực. Điều này chỉ ra dư địa phát triển lớn của các đô thị Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng đô thị hóa Việt Nam năm 2019 đạt 2,9% tương đối nhanh trong khu vực. Trong 10 năm tới, World Bank dự báo dân số đô thị Việt Nam dự phóng tăng trưởng trung bình 2,6%/năm, đứng thứ ba trong các quốc gia ASEAN. Tới năm 2039, sẽ có trên 50% dân số Việt Nam sống tại các đô thị và lên tới 57,3% trong năm 2050.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có triển vọng tăng trưởng tích cực nhất trong thời gian tới nhờ những biện pháp giúp đẩy nhanh đầu tư công vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép chuyển vốn đầu tư công từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tốc độ giải ngân nhanh hơn, nhờ đó, giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020 tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 250,5 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo của PSI cho biết, đầu tư công được kỳ vọng sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhanh hơn khi Chính phủ có kế hoạch triển khai ba dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông ngay trong tháng 9.

Theo đó, ngày 30/9/2020, Bộ GTVT phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận và Đồng Nai tổ chức 3 lễ khởi công dự án hình thành đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Chính Phủ đã có những biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 bằng cách tăng chi tiêu công. Trong 8 tháng đầu năm, chi tiêu công cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2019, phản ánh biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình đầu tư công, chi đầu tư phát triển tăng lên đến 221,7 nghìn tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2020, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh động lực giúp nền kinh tế hồi phục trong ngắn hạn, PSI cũng đánh giá việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa trong tương lai khi Việt Nam đang là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư đặt nhà máy tại Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA)/hiệp định đối tác kinh tế (EPA) và đang từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã dự báo trong số các quốc gia Đông Nam Á, chỉ có duy nhất Việt Nam có thể tăng trưởng dương trong năm nay. Đây là điểm sáng giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics. Xét theo thu nhập, chỉ số LPI của Việt Nam cao nhất trong các thị trường mới nổi và xếp hạng cao nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3 sau Singapore và Thái Lan.

Việt Nam có những cơ hội đầu tư có tiềm năng lớn nhất theo định hướng mục tiêu phát triển bền vững tập trung ở lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Theo bản Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc (năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI) đề ra 7 nhóm nhiệm vụ chính.

Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên đầu tiên là triển khai dự án nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc – Nam; các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hạ Long. Tiếp theo là đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Đối với lĩnh vực xây dựng công nghiệp, đây cũng là lĩnh vực mới đang có sự tăng trưởng nhờ nhu cầu lớn nhờ dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam và năng lượng sạch đang tăng trưởng.

Theo Nghị quyết 55 - NQ/TW về Định hướng phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15 – 20% vào năm 2030 và 25 – 30% vào năm 2035.

Đồng thời, chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ điều tiết hệ thống. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Tại thời điểm hiện tại, sản lượng điện tái tạo mới chiếm 4% tổng sản lượng phát điện, như vậy khối lượng công việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian sắp tới là rất lớn.

Báo cáo “Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng” do Ngân hàng Thế giới thực hiện nêu rõ, trong ngành năng lượng, nhu cầu tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% cho đến năm 2030.

Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030.

Tin bài liên quan