
Các nhà đầu tư dầu mỏ đã phần lớn bỏ qua tin tức thương mại trong nhiều tuần do xung đột ở Trung Đông chi phối biến động giá, nhưng loạt mức thuế được công bố gần đây của Tổng thống Trump đang làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ làm giảm tiêu thụ dầu thô.
Viễn cảnh nhu cầu suy giảm đang giáng một đòn mạnh vào thị trường dầu mỏ vốn đang có nhiều dự đoán về tình trạng dư cung vào cuối năm nay. Bên cạnh căng thẳng thương mại, triển vọng kinh tế ảm đạm của quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu là Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại rằng thị trường sẽ khó hấp thụ nguồn cung bổ sung trong nửa cuối năm.
“Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào nhu cầu và thuế quan”, Joe DeLaura, chiến lược gia năng lượng toàn cầu tại Rabobank cho biết.
Trong khi đó, kỳ vọng về sự suy giảm nhu cầu đang lan rộng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng 700.000 thùng/ngày vào năm 2025, mức tăng chậm nhất trong 16 năm khi ngoại trừ đợt suy thoái do đại dịch năm 2020. IEA cho biết mức giảm mạnh nhất theo quý xảy ra ở các quốc gia nằm trong tầm ngắm của cuộc chiến thương mại, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Mexico.
Ngoài ra, IEA cho biết lượng hàng tồn kho đã tích tụ với tốc độ 1 triệu thùng/ngày, và thị trường toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa tương đương 1,5% mức tiêu thụ dầu thô toàn cầu trong quý cuối năm nay.
Các mức thuế quan của Tổng thống Trump có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình, với các khoản thuế bao gồm thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ Brazil - nhà cung cấp dầu thô quan trọng cho Mỹ - có khả năng làm đảo lộn dòng chảy dầu thô.
Tuy nhiên, một số căng thẳng địa chính trị kéo dài đang ngăn cản tâm lý bi quan hoàn toàn. Tổng thống Trump cho biết sẽ đưa ra "tuyên bố quan trọng" về Nga vào ngày 14/7, làm dấy lên đồn đoán rằng ông sẽ thúc đẩy việc hạn chế xuất khẩu dầu của Nga. Trong khi đó, các cuộc xung đột ở Trung Đông đang duy trì mối lo ngại về các tuyến đường thương mại quan trọng của dầu mỏ.
Trong tuần này, Bloomberg đưa tin rằng OPEC+ đang thảo luận về việc tạm dừng tăng sản lượng từ tháng 10, sau đợt tăng sản lượng tiếp theo vào tháng 9 với 548.000 thùng/ngày. OPEC+ có thể lo ngại về sự chậm lại trong nhu cầu dầu toàn cầu trong nửa cuối năm nay, điều này có thể dẫn đến tình trạng dư cung nếu OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng.
Quan trọng hơn, thị trường dầu mỏ có thể chịu ảnh hưởng từ một số báo cáo kinh tế quan trọng dự kiến công bố trong những tuần tới, bao gồm dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ - yếu tố có thể tác động đến chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.