Trong bão giông, doanh nhân Việt vẫn “ra khơi“

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam lại một lần nữa đứng trước thách thức, phải nỗ lực vượt “bão” để tồn tại, giữ việc làm cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Theo Forbes, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mà tiêu biểu là VinFast, đang là hình mẫu năng động cho các doanh nghiệp toàn cầu đến từ Đông Nam Á. Trong ảnh: VinFast xuất khẩu xe điện ra thế giới, đánh dấu bước tiến của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam.

Theo Forbes, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mà tiêu biểu là VinFast, đang là hình mẫu năng động cho các doanh nghiệp toàn cầu đến từ Đông Nam Á. Trong ảnh: VinFast xuất khẩu xe điện ra thế giới, đánh dấu bước tiến của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam.

Đây cũng chính là lúc, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phải được đề cao.

1. Những ngày đầu tháng 8 luôn là những ngày đầy xúc động với mỗi con người Vingroup. Năm nay, tháng 8 lại càng trở nên đặc biệt, bởi đánh dấu chặng đường 30 năm Vingroup kiến tạo kỳ tích, chinh phục thế giới. Đáng chú ý, một trong những quà tặng lưu niệm mà Vingroup tặng đối tác, khách hàng và giới truyền thông trong dịp này là chiếc bình gốm sứ có in hình con thuyền thuận buồm xuôi gió.

Đặc biệt, để hưởng ứng lễ kỷ niệm cũng như nhìn lại chặng đường 3 thập kỷ đã qua, Tập đoàn đã không ngần ngại chi số tiền “khủng” để thực hiện MV với tên gọi: “Tự hào bay cao”. Đây là thước phim đầy tự hào không chỉ đơn thuần tái hiện những thành tựu của Vingroup, mà còn khẳng định sự chuyển mình của đất nước Việt Nam với những dấu ấn đặc biệt, gây tiếng vang với cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, Vingroup đã trải qua 3 thập kỷ kiến tạo hành trình trở thành một trong những “con rồng” ở châu Á. Ở năm thứ 31 này, Tập đoàn xác định 3 trụ cột gồm: công nghệ - công nghiệp, thương mại dịch vụ, thiện nguyện xã hội, tạo thế “kiềng ba chân” để đưa Tập đoàn đi đến thành công.

Theo Forbes, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, mà tiêu biểu là VinFast (công ty thuộc Vingroup) với việc niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ, xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina…, đang là hình mẫu năng động cho các doanh nghiệp toàn cầu đến từ Đông Nam Á.

Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore, Việt Nam và Indonesia, sẵn sàng trở thành những cường quốc kinh tế trong thập kỷ tới. Dân số trẻ và môi trường thân thiện với doanh nghiệp đang tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các công ty sáng tạo sẵn sàng vươn ra thế giới.

Chỉ trong vài năm, VinFast đã thành lập trụ sở chính ở Mỹ (tại Los Angeles), đang xây dựng nhà máy lớn ở Bắc Carolina (dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025, sản xuất 150.000 chiếc ô tô mỗi năm) và đã mở các cửa hàng ở Pháp, Đức, Hà Lan.

Gần đây nhất, thông tin VinFast lên kế hoạch mở rộng thêm ở 7 thị trường khác tại châu Á, trong đó có cả Indonesia, lại được tung ra. VinFast đặt mục tiêu giao xe từ năm 2024 và có thể xây nhà máy tại đây vào năm 2026.

Hồ sơ gửi Sở Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) gần đây nhất của VinFast thể hiện, VinFast muốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong dài hạn. Trong số này, 200 triệu USD dự kiến được dùng để xây dựng nhà máy tại nước này và có thể sản xuất 30.000 - 50.000 xe/năm.

Nếu kế hoạch này được triển khai, nhà máy ở Indonesia sẽ là nhà máy thứ 3 của VinFast bên cạnh nhà máy chính ở Việt Nam và 1 nhà máy mới khởi công ở Mỹ.

Trước đó, VinFast tiết lộ đang nghiên cứu thị trường và dự kiến xây dựng một nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ. Nhà máy này có thể đặt tại Gujarat hoặc Tamil Nadu - hai trung tâm ô tô của Ấn Độ. VinFast sẽ thâm nhập thị trường Ấn Độ với 3 mẫu xe VF3, VF5 và VFe34. Thị trường xe điện của Ấn Độ được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 90% trong thập kỷ này, giá trị chạm mốc 150 tỷ USD vào năm 2030, mang lại rất nhiều cơ hội cho những công ty như VinFast.

2. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 6/10/2023 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Thông tin trên khiến nhiều người nhớ đến doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, với hơn một thập kỷ miệt mài theo đuổi “giấc mơ” trung tâm tài chính ở Việt Nam.

Trước đó, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ký ban hành đã khẳng định phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á - nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Đây cũng là thông tin được ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) coi là “vui nhất trong năm”. Dẫu vậy, với ông, mọi chuyện chỉ mới bắt đầu trên con đường đầy chông gai sắp tới.

IPPG là một tập đoàn đa lĩnh vực, đã phát triển với 25 công ty thành viên. Trong đó, Hội đồng Quản trị (HĐQT) có 2 thành viên “thế hệ F2”, Ban lãnh đạo có 4 thành viên là người trong gia đình. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, vợ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đảm nhiệm chức vụ CEO IPPG khẳng định, những doanh nghiệp gia đình với khối tài sản và tri thức được tích lũy theo năm tháng không chỉ đóng góp vào sự phát triển hiện nay của nền kinh tế, mà còn có thể là bệ phóng tiềm lực để Việt Nam vươn xa trong tương lai.

Nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả và thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, quá trình chuẩn bị, đào tạo, bổ nhiệm thế hệ kế tiếp của gia đình vào các vị trí trong tập đoàn đa lĩnh vực như IPPG đã và đang được thực hiện đầy đủ những yếu tố cần thiết. Doanh nhân Thủy Tiên cũng cho rằng, để thành công trong bối cảnh hiện nay, phát triển theo hướng bền vững, thế hệ sáng lập của IPPG cũng xác định hướng đến mục tiêu: chuyển hóa từ chất, từ cá nhân hóa sang tư nhân hóa, xác định chiến lược rất rõ để các thế hệ kế nhiệm kế thừa, chứ không thừa kế.

3. Vài năm trở lại đây, tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững đang trở thành “kim chỉ nam” tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thúc đẩy và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững một cách toàn diện.

Hiện nay, bên cạnh lợi nhuận, nhiều doanh nhân còn hướng đến các giá trị khác như khát vọng cống hiến, đóng góp cho xã hội, tạo danh tiếng cho bản thân, được cộng đồng và xã hội tôn trọng, vinh danh, xa hơn là mang niềm tự hào dân tộc ra thị trường quốc tế…

Trong đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cộng đồng doanh nhân Việt Nam, là một phần không thể tách rời trong chiến lược tăng trưởng xanh, giúp kiến tạo một hệ sinh thái tăng trưởng bền vững. Đầu tư vào phát triển xanh là cơ hội cho các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trở nên nổi bật và tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách xanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa.

Điều này thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, từ vai trò cơ bản của doanh nghiệp như tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp vào GDP, tạo việc làm cho người lao động…, đến các vấn đề về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, như bảo vệ môi trường, sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ xanh, sạch, chất lượng, tạo ra các xu hướng về tiêu dùng; xây dựng môi trường làm việc hài hòa, bình đẳng; thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, phát triển bền vững không còn là chủ đề mới. Không chỉ với các tập đoàn kinh tế lớn, mà ngay cả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì giờ đây, phát triển bền vững cũng được coi là một lựa chọn, một cơ hội.

Theo bà Dung, các doanh nhân khi vận hành một doanh nghiệp, hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh đều muốn tạo ra lợi nhuận, đây là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, bà Dung cũng khẳng định, các doanh nghiệp khi hiện thực hóa khát vọng làm giàu không được chà đạp lên mọi giá trị, vì hoạt động kinh doanh còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật và văn hóa. Hiện nay, bên cạnh lợi nhuận, nhiều doanh nhân còn hướng đến các giá trị khác như khát vọng cống hiến, đóng góp cho xã hội, tạo danh tiếng cho bản thân, được cộng đồng và xã hội tôn trọng, vinh danh, xa hơn là mang niềm tự hào dân tộc ra thị trường quốc tế…

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.

Việt Nam đã chứng tỏ được “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các cơn gió ngược” rất ấn tượng. Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có những vấn đề lớn đặt ra. Trước hết là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng nhiều nghịch lý.

Việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, kinh doanh cơ bản chưa thực sự thuận lợi, chi phí sản xuất, kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh và khả năng tích lũy vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật… là những điểm trừ khác của môi trường kinh doanh.

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và chưa được hỗ trợ hiệu quả. Doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp đa quốc gia. Do đó, có thể thấy rõ đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang phải gồng mình, chống đỡ “vượt bão” ra sao. Chúng ta cùng kỳ vọng họ sẽ làm nên một câu chuyện kỳ diệu về truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ khởi nghiệp, tiếp tục dẫn dắt doanh nghiệp đi tới thành công và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Tin bài liên quan