Trung Quốc đang "chậm chạp" trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ nền kinh tế

Trung Quốc đang "chậm chạp" trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Trung Quốc chần chừ triển khai các biện pháp kích cầu mới đang làm dấy lên mối lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế nước này.

Theo Bloomberg, giới đầu tư đã trông đợi Chính phủ Trung Quốc công bố các biện pháp kích cầu mới cho nền kinh tế sau một cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Sáu tuần trước (9/6). Kỳ vọng của thị trường càng dâng cao sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ cắt giảm lãi suất vào tuần trước, động thái được nhiều chuyên gia kinh tế cho là tín hiệu dịch chuyển sang chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ đề xuất cụ thể nào mà chỉ nói rằng, đang nghiên cứu các biện pháp mới và các biện pháp đó sẽ được thông qua một cách “kịp thời”.

Tuần này, Thủ tướng Lý Cường sẽ có chuyến công du tới Đức và Pháp chính thức đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với việc sẽ không sớm có thông báo về một kế hoạch kích cầu mới.

Ông Yin Yanlin, nguyên Phó giám đốc Văn phòng Chính sách kinh tế Trung Quốc tại một diễn đàn tổ chức tại Đại học Thanh Hoa vào cuối tuần qua đã phát biểu: “Chúng ta không nên ngần ngại bổ sung các chính sách mạnh mẽ hơn khi cần thiết”. Đồng thời cho rằng, các điều chỉnh chính sách nên được thực hiện nhanh chóng hơn.

Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới cũng đã cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Mới nhất là ngân hàng Goldman Sachs Group đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay từ 6% xuống 5,4%, trên cơ sở cho rằng nhu cầu nhà ở của Trung Quốc đang hạn chế, mức nợ trong nền kinh tế tăng cao và lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc hạn chế đầu cơ bất động sản.

"Các biện pháp kích thích tăng trưởng thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản sẽ cần có trọng điểm. Việc đi theo con đường cũ là sử dụng tài sản và cơ sở hạ tầng để tạo ra sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sẽ không còn phù hợp với kiểu "tăng trưởng chất lượng cao" mà giới chức Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh”, báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết.

Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi các chính sách “mạnh mẽ hơn” để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra mốc thời gian hoặc chi tiết về các biện pháp hỗ trợ đang được thảo luận.

Ông Rory Green, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu TS Lombard, nhận định: “Ngưỡng cho việc kích thích tăng trưởng bây giờ cao hơn trước đây và việc nới lỏng chính sách sẽ chỉ "nhỏ giọt" chứ không thể "ồ ạt" như trước. Khả năng có thêm các biện pháp kích cầu là có, nhưng bất kỳ kế hoạch nào cũng sẽ phải rất phù hợp với quan điểm mà Trung Quốc đã áp dụng trong khoảng 5 năm qua”.

Các nhà kinh tế dự đoán, các bước kích thích nền kinh tế có thể là các biện pháp tài chính để thúc đẩy cơ sở hạ tầng như tăng hạn ngạch trái phiếu cho chính quyền địa phương, bơm vốn nhiều hơn ra thị trường từ các ngân hàng chính sách nhà nước và bán trái phiếu có mục đích đặc biệt của chính quyền trung ương.

Các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ cũng đang được thảo luận, bao gồm khả năng giảm lãi suất cho vay thế chấp nhà và nới lỏng các hạn chế mua nhà. Ngoài ra, các quan chức đã gợi ý về các biện pháp để thúc đẩy tiêu thụ ô tô và thiết bị gia dụng.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, kỳ vọng, chính quyền các địa phương Trung Quốc đẩy nhanh việc bán trái phiếu đặc biệt và nới lỏng hơn nữa các chính sách liên quan đến bất động sản.

Báo cáo của Goldman Sachs cũng cho rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương và tiếp tục nới lỏng các chính sách về bất động sản, bao gồm giảm mức đặt cọc khi mua nhà, cắt giảm lãi suất thế chấp và loại bỏ các hạn chế mua nhà ở các thành phố lớn để hỗ trợ thị trường bất động sản.

Chính phủ Trung Quốc hiện cũng đang hỗ trợ các ngành công nghiệp được coi là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như sản xuất công nghệ cao và xe chạy bằng năng lượng mới. PBOC cũng có thể sẽ cắt giảm lãi suất thêm nữa trong năm nay và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại để bơm thêm thanh khoản cho hệ thống tài chính.

Tin bài liên quan