Trung Quốc đang cố gắng để ngăn chặn sự suy thoái của thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các công cụ riêng biệt trong nỗ lực giải cứu nền kinh tế và thị trường chứng khoán khỏi cuộc khủng hoảng Covid khi phần còn lại của thế giới rút lại các biện pháp kích thích để chống lại lạm phát gia tăng.
Trung Quốc đang cố gắng để ngăn chặn sự suy thoái của thị trường chứng khoán

Không giống như năm 2020 khi Bắc Kinh có thể hạn chế sự gián đoạn đối với các trung tâm sản xuất và dựa vào tính thanh khoản toàn cầu chưa từng có để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, lần này họ phải đi một mình. Một chính sách Zero Covid nghiêm ngặt đã đưa nước này rơi vào tình trạng lặp lại nhiều lần phong toả trong khi các quốc gia khác đã chuyển sang mở cửa trở lại nền kinh tế.

Các quỹ đầu tư quốc tế đang bán mạnh chứng khoán của Trung Quốc trong khi nỗ lực khuyến khích tiền trong nước vào thị trường vốn không hiệu quả vì các biện pháp hạn chế kéo dài và thị trường bất động sản chậm lại làm xói mòn sự giàu có. Hôm thứ Ba (26/4), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ hỗ trợ nền kinh tế một lần nữa, nhưng cũng thận trọng với việc kích thích quá mức, muốn hạn chế rủi ro tài chính, kiềm chế nợ và giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.

“Cuộc đấu tranh của PBOC phản ánh tình trạng khó khăn rộng lớn hơn mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phải đối mặt trong bối cảnh môi trường bên ngoài đầy thách thức - làm thế nào để tìm được sự cân bằng giữa các mục tiêu chính sách mâu thuẫn là Zero Covid và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5%”, Seema Shah, chiến lược gia trưởng tại Principal Global Investors cho biết.

Với mức giảm 23% trong năm nay, chỉ số CSI 300 vẫn sa lầy trong thị trường giá xuống. Đồng nhân dân tệ đã giảm xuống gần mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Khi Covid lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, khả năng dập tắt dịch bệnh lan rộng của Trung Quốc đồng nghĩa với việc họ được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích toàn cầu lịch sử mà không cần phải cung cấp quá nhiều. Các nhà đầu tư nước ngoài săn lùng cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc vì là một trong số ít nền kinh tế có thể hấp thụ.

Sự gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đã dẫn đến thặng dư thương mại kỷ lục vào năm ngoái, chiếm khoảng 1/5 mức mở rộng kinh tế của Trung Quốc, giúp bù đắp cho tiêu dùng nội địa yếu. Nhiều dòng vốn chảy vào Trung Quốc đến mức đồng nhân dân tệ là một trong những đồng tiền hoạt động tốt nhất trong hai năm đầu của đại dịch.

Trong khi phần còn lại của thế giới bước vào làn sóng hưng phấn đầu cơ từ cổ phiếu meme đến tiền điện tử, thì Bắc Kinh đã hành động để làm giảm bong bóng trong thị trường tài sản và tín dụng. Trung Quốc đã tăng cường quy định đối với toàn bộ các ngành như giáo dục, trò chơi và các công ty công nghệ lớn, ngay cả khi các động thái này khiến cổ phiếu sụt giảm ở Trung Quốc và Hồng Kông.

Nhưng biến thể Omicron xuất hiện đã làm gia tăng áp lực lên thị trường tài chính và khiến PBOC phải cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần hai năm.

Kể từ đó, Trung Quốc đã có những hành động quyết đoán hơn để thúc đẩy tăng trưởng và nâng đỡ thị trường, nhưng không mấy thành công. Chỉ trong tháng này, các nhà chức trách đã giải phóng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, thúc đẩy quỹ an sinh xã hội, các ngân hàng và công ty bảo hiểm để thúc đẩy đầu tư cổ phiếu và làm cho ngoại tệ sẵn sàng hơn trong nước nhằm ngăn chặn đồng nhân dân tệ suy yếu thêm.

Hôm thứ Ba (26/4), PBOC cho biết, họ sẽ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của thị trường và cung cấp một môi trường tài chính tiền tệ tốt và thanh khoản sẽ vẫn dồi dào hợp lý.

Với sự biến động của cổ phiếu Trung Quốc và đồng nhân dân tệ hôm thứ Ba (26/4), chủ nghĩa hoài nghi vẫn đang chiếm ưu thế. Việc nới lỏng các điều kiện cho vay sẽ có tác động hạn chế vào thời điểm các doanh nghiệp và người tiêu dùng không muốn gánh thêm nợ vay.

Dòng vốn vào các thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn bị hạn chế. Chỉ số CSI 300 và nhân dân tệ đều yếu hơn so với ban đầu khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra cam kết hỗ trợ mạnh mẽ vào giữa tháng 3 - khoảng thời gian Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lần đầu tiên tăng lãi suất.

Tuy nhiên, vẫn có những cứu cánh khác cho thị trường tài chính của Trung Quốc. Việc phê duyệt vắc xin do nước ngoài sản xuất hoặc phân phối các phương pháp điều trị sẽ cho thấy Bắc Kinh đang có kế hoạch thoát khỏi chiến lược Zero Covid. Fed có thể trở nên ít diều hâu hơn dự đoán nếu suy thoái kinh tế trở thành một khả năng thực sự. Bắc Kinh thậm chí có thể bắt đầu nói về triển vọng mở lại biên giới của mình.

Nhưng thật khó để phóng đại tầm quan trọng toàn cầu của những gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Ngoài các yếu tố phân nhánh của sự suy thoái trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tình trạng phong toả hàng loạt đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện đã bước sang năm thứ ba. Sự gián đoạn này đang làm gia tăng thêm mối lo lạm phát, lo lắng về lợi nhuận của doanh nghiệp và lo ngại về nền kinh tế đình trệ đối với các nền kinh tế Mỹ và châu Âu.

Ít nhất hiện tại, cam kết của chính quyền Trung Quốc đối với chính sách Zero Covid sẽ ảnh hưởng lên mọi yếu tố khác, ngay cả mối quan hệ của Trung Quốc với Nga sau khi xung đột với Ukraine leo thang.

Zhikai Chen, người đứng đầu bộ phận chứng khoán châu Á tại BNP Paribas Asset Management cho biết: “Dấu hỏi đặt ra là họ sẽ quản lý chính sách kinh tế tổng thể như thế nào khi nó mâu thuẫn với chính sách Zero Covid, điều đó rất phức tạp. Chúng ta chỉ cần một vài quý không còn mối lo ngại này nữa”.

Tin bài liên quan