Trung Quốc giảm cung tiền: Hệ lụy và bài học kinh nghiệm

Trung Quốc giảm cung tiền: Hệ lụy và bài học kinh nghiệm

(ĐTCK-online) Trong 2 năm thế giới trải qua khủng hoảng, kinh tế và TTCK Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 3 vẫn đang tăng trưởng cao nhất thế giới - là tâm điểm mới với mức độ ảnh hưởng không kém các nền kinh tế và thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, EU.

Tuy nhiên, từ gần một tháng nay, từ khi NHTW Trung Quốc công bố việc giảm nới lỏng tiền tệ trong 6 tháng cuối năm, TTCK đã suy giảm mạnh. Tại Việt Nam, gói kích thích kinh tế và việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng đã gián tiếp tạo ra sự sôi động trên TTCK. Vậy khi gói kích cầu chấm dứt và chính sách tiền tệ trở lại trạng thái trung tính, TTCK sẽ chịu tác động ra sao?

Phần I: Lực kích kinh tế giảm và ngưỡng suy thoái trung hạn của TTCK Trung Quốc

Gói kích cầu trị giá 586 tỷ USD dự kiến trong 2 năm 2009 - 2010 được Chính phủ Trung Quốc triển khai từ tháng 11/2008 đã phát huy tác dụng rõ rệt làm giảm tác động của khủng hoảng kinh tế vốn đã ngấm vào nền kinh tế Trung Quốc từ quý III/2008. Chính sách nới lỏng tiền tệ cũng được NHTW Trung Quốc áp dụng thông qua việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ chốt, hạ dự trữ bắt buộc và khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Các NHTM Trung Quốc đã cho vay mới gần 7.400 tỷ NDT (1.000 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2009. Kết quả là kinh tế Trung Quốc từ mức tăng trưởng 6,8% và 6,1% trong quý IV/2008 và quý I/2009, đã tăng lên 7,9% trong quý II/2009. Tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2009 chủ yếu do mức tăng mạnh của chi đầu tư tài sản cố định với mức tăng 32,9% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu giảm 15% so với cùng kỳ.

Một điểm nổi bật là Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh cơ cấu lại mô hình tăng trưởng kinh tế để tăng vai trò của tiêu dùng nội địa, thay vì quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Tất cả những biện pháp của Chính phủ Trung Quốc nhằm hướng đến mục tiêu duy trì mức tăng trưởng 8 - 9% cho nền kinh tế giai đoạn 2009 - 2010 và tạo đà cho sự biến chuyển cơ cấu và mô hình tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, cũng đã có những dấu hiệu cho thấy mặt trái của các chính sách kích thích ngắn hạn. Tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng của Trung Quốc tăng 23 - 25% so với cùng kỳ, trong khi trong nhiều năm trước, dù GDP tăng trưởng trên 10% nhưng các chỉ số phản ánh mở rộng tiền tệ, tín dụng này chỉ ở mức 15%. Lượng tín dụng bơm ra mạnh  trong khi sản lượng tăng chậm hơn cho thấy có một lượng lớn tín dụng đi vào các dự án trung và dài hạn không tạo ra sản phẩm hàng hóa tương ứng, hoặc đã được chảy mạnh vào TTCK và bất động sản. TTCK Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại trong 1 năm qua với mức tăng 88% của chỉ số Shanghai Composite so với đáy vào tháng 11/2008.

Lo ngại tín dụng tăng trưởng quá nóng, NHTW Trung Quốc đã công bố việc giảm nới lỏng tiền tệ trong 6 tháng cuối năm cùng với việc đẩy mạnh thanh tra giám sát chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, một trong những ngân hàng gốc quốc doanh mạnh tay nhất trong cho vay hạ tầng cơ sở, đã công bố kế hoạch cho vay mới trong 6 tháng cuối năm giảm 70% so với nửa đầu năm.

Về tác động tài khóa, tính toán của Standard Chartered Bank về lực đẩy tài khóa (fisal impulse) của Trung Quốc cho thấy, tác dụng của kích thích tài khóa đạt đỉnh vào quý I/2009, khi kích thích tài khóa tạo ra 2% tăng trưởng GDP. Lực đẩy này đã giảm đáng kể và hiện tại đã chuyển sang trạng thái trung tính.

TTCK Trung Quốc đã có những phản ứng tức thời với những thay đổi trên. Chỉ số Shanghai Composite liên tục sụt giảm trong gần 3 tuần, giảm 19,98% vào ngày 19/8 so với mức cao nhất vào ngày 4/8, cho thấy thị trường đang mấp mé ở ngưỡng rơi vào chu kỳ suy thoái trung hạn chứ không chỉ còn ở tình trạng điều chỉnh ngắn hạn. Tất nhiên, bên cạnh yếu tố kinh tế vĩ mô, TTCK Trung Quốc còn suy giảm do các đợt IPO lớn đã khởi động trở lại nên cần rất nhiều vốn để hấp thụ. China State Construction Corp dự tính huy động 7,2 tỷ USD trong cuộc IPO vừa qua để lập kỷ lục thế giới về giá trị IPO. Hàng loạt công ty xây dựng, bất động sản và nhiều ngành khác như Xichuan Express, Everbright Securities…, cũng đã và đang tiến hành IPO...

Hai ngày cuối tuần qua, TTCK Trung Quốc có sự hồi phục nhờ vào việc Chính phủ nước này có một số biện pháp nới lỏng việc mở các quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng và sự hồi phục của giá dầu. Lưu ý là với sự hồi phục của mức giá chứng khoán trong ngày thứ Sáu cuối tuần qua, chỉ số P/E quá khứ của Shanghai Composite-Index là 31 lần và P/E ước tính cho năm 2009 là 22 lần, mức cao nhất so với tất cả các thị trường châu Á. Một vài tuần tới sẽ là thời điểm then chốt để thị trường Trung Quốc có thể rơi vào hoặc thoát ra khỏi ngưỡng suy giảm trung và dài hạn. Nếu thị trường Trung Quốc chính thức rơi vào suy giảm trung hạn, ảnh hưởng với các TTCK châu Á và thế giới là khó tránh khỏi.

Với TTCK Việt Nam, thị trường cũng được cho là bước vào giai đoạn hồi phục mạnh khi VN-Index đã vượt qua mức đỉnh tạm thời thiết lập trong tháng 6/2009. Tuy nhiên, nếu chính sách tiền tệ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm nới lỏng để đề phòng nguy cơ lạm phát, liệu TTCK Việt Nam có lặp lại “vết xe” của TTCK Trung Quốc? 

Còn nữa