Trung Quốc ký thoả thuận với Mỹ, tìm bệ đỡ an toàn

Trung Quốc ký thoả thuận với Mỹ, tìm bệ đỡ an toàn

(ĐTCK) Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 tạo nên bất ngờ khi các hàng rào thuế quan không hề bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang cho thấy sự ứng biến linh hoạt.

Theo những thông tin ban đầu được công bố về thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ sẽ không loại bỏ hàng rào thuế hiện tại đối với hàng hoá nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thay vào đó, Mỹ đồng ý giảm 15% nghĩa vụ thuế đối với 120 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và trì hoãn việc bỏ hàng rào thuế cho tới khi Trung Quốc thực hiện việc cải tổ và mua thêm 200 tỷ USD hàng hoá, dịch vụ từ Mỹ trong 2 năm tới.

Trong bối cảnh này, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc sang Mỹ vẫn chịu những áp lực lớn như vừa qua và kéo dài cho tới ít nhất 2 năm nữa.

Tuy nhiên, những số liệu năm 2019 vừa được công bố cho thấy, “gã khổng lồ” xuất khẩu Trung Quốc không hề chậm chạp, thậm chí rất nhanh nhẹn ứng phó với tình huống, nhanh chóng đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu để giảm bớt thiệt hại gây ra bởi hàng rào thuế do Tổng thống Donald Trump dựng nên.

Trung Quốc ký thoả thuận với Mỹ, tìm bệ đỡ an toàn ảnh 1

Năm 2019, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 12,5% so với năm 2018. Theo đó, thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ giảm 8,5%, xuống còn gần 296 tỷ USD.

Tuy nhiên, tổng lượng hàng hoá bán ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn tăng 0,5% và thặng dư thương mại tăng hơn 20%, đạt 422 tỷ USD.

“Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình chuyển hướng của dòng chảy thương mại toàn cầu. Việc thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết không đảo ngược lại quá trình này.

Thay vào đó, nó chỉ tạo thêm rủi ro khó đoán định và gánh nặng chi phí lên các doanh nghiệp”, Frederic Neumann, Đồng Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế châu Á, HSBC Holdings Plc tại Hồng Kông cho biết.

Trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ vẫn khó khăn, các nhà xuất khẩu Trung Quốc không hề lãng phí thời gian mà đã nhanh chóng tìm thị trường thay thế.

Theo đó, tính tới cuối năm 2019, lượng hàng bán tới ASEAN đã tăng gần 13%, xuất khẩu sang Anh tăng 10%. Đây là một chiến lược hiệu quả để Trung Quốc giữ vững thị phần xuất khẩu của mình trên toàn cầu.

Riêng trong tháng 12/2019, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều tăng vượt dự đoán. Cụ thể, xuất khẩu tăng 7,6%, trong khi nhập khẩu tăng 16,3%.

Các số liệu được tính toán bởi Christopher Balding, giáo sư Đại học Fullbright tại TP.HCM cho thấy, Trung Quốc chuyển từ mức thâm hụt 5 tỷ USD hàng hoá đối với khu vực châu Á vào cuối năm 2018 sang thặng dư khoảng 67 tỷ USD cuối năm 2019.

“Những thay đổi của hoạt động thương mại toàn cầu sẽ tạo động lực cho nhiều quốc gia có quan hệ giao thương với Trung Quốc”, Christopher Balding cho biết.

Tất nhiên, các nhà xuất khẩu Trung Quốc chưa thể thở phào, khi hàng rào thuế vẫn đang được áp đặt đối với cả hàng hoá Trung Quốc và Mỹ.

Theo JP Morgan, ngay cả khi thoả thuận thương mại được ký kết, Mỹ vẫn đang áp thuế đối với hàng hoá Trung Quốc ở mức cao hơn 14,4% so với trước khi chiến tranh thương mại xảy ra.

Điều này đồng nghĩa với việc mối quan hệ thương mại song phương Mỹ - Trung sẽ trong tình trạng “trầm cảm” thêm ít nhất vài năm. Adam Slater, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics Ltd cho rằng, tình trạng hiện tại kéo dài có thể khiến thương mại Mỹ - Trung giảm tới 40%.

Bên cạnh đó, tác động thực sự mà chiến tranh thương mại gây ra cho Trung Quốc là việc phân tán chuỗi cung ứng hàng hoá, không chỉ rời khỏi Trung Quốc, mà còn là đa dạng hoá hơn các nhà cung cấp.

“Việc thiết lập lại chuỗi cung ứng cần thời gian. Do đó, càng trong dài hạn, tác động thực sự của chiến tranh thương mại với Mỹ càng rõ ràng hơn tới Trung Quốc”, Pauline Loong, Giám đốc Công ty nghiên cứu Asia Analytica cho biết.

Tin bài liên quan