Trung Quốc lên kế hoạch sử dụng nền tảng của nhà nước để mua quặng sắt

Trung Quốc lên kế hoạch sử dụng nền tảng của nhà nước để mua quặng sắt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm kiểm soát giá quặng sắt tăng vọt là lên kế hoạch buộc các nhà cung cấp toàn cầu đàm phán bán hàng cho thị trường lớn nhất thế giới này thông qua một nền tảng tập trung.

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Bắc Kinh muốn mọi hoạt động mua nguyên liệu sản xuất thép được thực hiện thông qua một nền tảng duy nhất do Nhà nước hậu thuẫn. Hiện tại, các doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm các nhà máy thép có thể đàm phán mua hàng giao ngay một cách độc lập.

Kế hoạch này nhằm mục đích ổn định nguyên liệu sản xuất thép trong dài hạn và là một phần của trọng tâm rộng hơn là tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc đối với giá cả hàng hóa. Thị trường giao ngay của quặng sắt tương đối nhỏ, nhưng giá ở thị trường giao ngay sẽ quyết định số tiền các nhà máy thép phải trả trong các hợp đồng dài hạn.

Trung Quốc sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới và nhập khẩu quặng sắt của nước này đạt trị giá gần 180 tỷ USD trong năm 2021. Ngành công nghiệp thép Trung Quốc từ lâu đã chịu ảnh hưởng về mặt định giá bởi một số ít các công ty khai thác quốc tế khổng lồ nắm giữ.

Ngoài ra, các nhà chức trách cũng muốn ngăn chặn lạm phát khi Bắc Kinh triển khai các biện pháp kích thích vào năm 2022 và điều này có thể kích thích nhu cầu thép.

Các đề xuất mới nhất làm tăng thêm một loạt hành động nhằm ngăn chặn đà tăng mạnh mẽ của giá quặng sắt kể từ giữa tháng 11/2021. Các nhà chức trách đã tổ chức một loạt cuộc họp với các công ty nhằm yêu cầu các công ty hàng hóa toàn cầu lớn giải phóng bớt kho dự trữ và hợp tác với cơ quan quản lý để điều tra về các hoạt động “bất hợp pháp” có thể xảy ra.

Giá quặng sắt phần lớn phụ thuộc vào các đánh giá thị trường giao ngay hàng ngày từ các cơ quan bên thứ ba bao gồm S&P Global Platts. Các hợp đồng dài hạn - bao gồm phần lớn nguồn cung cấp - dựa trên mức trung bình của giá giao ngay trong các khoảng thời gian đã thỏa thuận, chẳng hạn như hàng tháng hoặc hàng quý.

Các cuộc đàm phán tập trung không phải là chưa từng có đối với các hoạt động mua bán của Trung Quốc. Một nhóm các nhà máy luyện đồng hàng đầu của Trung Quốc thường mặc cả giá cho nguồn cung cấp nguyên liệu thô hàng năm. Tuy nhiên, các vấn đề chung với cách tiếp cận như vậy bao gồm sự phối hợp giữa một số lượng lớn người mua và kiểm soát khả năng hàng hóa được bán lại với giá cao hơn.

Bắc Kinh cũng đang khuyến khích các động thái khác để cải thiện vị thế của mình trên thị trường quặng sắt. Chính phủ muốn tiếp tục sáp nhập và mua lại giữa các nhà sản xuất thép lớn, cũng như tăng sản lượng trong nước và mua cổ phần ở các mỏ bên ngoài Trung Quốc.

Tin bài liên quan