Trung Quốc nới lỏng các chính sách, cải thiện tâm lý nhà đầu tư

Trung Quốc nới lỏng các chính sách, cải thiện tâm lý nhà đầu tư

(ĐTCK) Sau nhiều tháng cầm chừng, nhà đầu tư tại các thị trường tài chính Trung Quốc đã hoạt động mạnh trở lại, sau khi chính phủ nước này có động thái mạnh tay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong phiên giao dịch ngày 25/7, chỉ số CSI 300 đã tăng 1,6%, đánh dấu chuỗi 3 ngày leo dốc mạnh nhất kể từ giữa tháng 8/2016. Sự lạc quan được duy trì, với chỉ số tương lai FTSE China A50 tăng 0,6%.

Hiện tại, đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế đang ở mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua so với USD, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất tham chiếu và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một số ngân hàng lớn, đẩy thêm dòng tiền ra thị trường. Trong bối cảnh này, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng nhẹ sau khi chạm đáy thấp nhất kể từ tháng 4/2017.

Theo các chuyên gia kinh tế, những diễn biến này nhiều khả năng đặt dấu chấm hết cho tình trạng trì trệ đã bao phủ lên các thị trường tài chính Trung Quốc trong nhiều tháng qua.

Đó là quãng thời gian mà giới đầu tư chạy trốn khỏi chứng khoán, tìm nơi trú ẩn ở trái phiếu khi chiến dịch kiểm soát chặt chẽ dòng vốn và hạ tỷ lệ đòn bẩy tài chính khiến các vụ phá sản doanh nghiệp liên tục xảy ra, tổn hại tới tâm lý đầu tư. Kể từ mức đỉnh cao nhất đạt được vào tháng 1/2018 cho tới nay, 2.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Đại lục.

Sự lạc quan trở lại với giới đầu tư nhờ những tín hiệu nới lỏng rõ ràng hơn từ phía giới chức Đại lục. Cụ thể, cuối tuần trước, PBoC giảm bớt các điều kiện đối với sản phẩm quản lý tài sản, vốn được xem là công cụ khiến thị trường ngân hàng ngầm (shadow-banking) bùng nổ.

Sản phẩm quản lý tài sản là sản phẩm đầu tư lợi suất cao đi kèm rủi ro lớn do ngân hàng phân phối và thường rót tiền vào các tài sản kém thanh khoản, rất rủi ro. Sau đó, ông Gou Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc - CBRC nhóm họp lãnh đạo các nhà băng lớn nhất Trung Quốc để thúc giục việc đẩy mạnh cho vay, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đáng chú ý, đầu tuần này, PBoC công bố gói tín dụng 502 tỷ nhân dân tệ (74 tỷ USD) kỳ hạn 1 năm dành cho các nhà băng, đây là khoản cho vay ngắn hạn lớn nhất được đưa ra kể từ năm 2014. Chưa kể, Chính phủ Trung Quốc vừa có thông báo cho biết, các chính sách tài khóa có thể trở nên “linh hoạt” hơn.

“Đây là tín hiệu rõ ràng của việc kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tâm lý nhà đầu tư phần nào được giải tỏa khi những yếu tố áp lực đè nặng lên thị trường được nhà quản lý gỡ bỏ ít nhiều”, Aidan Yao, nhà kinh tế cao cấp tại AXA Investment Asia Ltd cho biết.

Trong số các nhóm cổ phiếu thuộc CSI 300, ngân hàng là lĩnh vực được hưởng lợi lớn nhất từ những động thái này, khi tăng giá 6,5% trong 3 ngày, đánh dấu đà tăng tốt nhất trong 2 năm qua. Tiếp theo đó là lĩnh vực công nghiệp, vốn được hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng, với mức tăng 3% trong phiên 25/7, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2016. Đây rõ ràng là bước ngoạt lớn khi chỉ cách đây 3 tuần, chỉ số CSI 300 chạm đáy thấp nhất 14 tháng và không hề được kỳ vọng sớm hồi phục.

Tâm lý tích cực của giới đầu tư là điều dễ nhận thấy, nhưng đi kèm với đó là không ít ý kiến tỏ ra dè dặt về diễn biến tích cực mới của thị trường. Xia Le, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA cho rằng, mặc dù chính sách nới lỏng sẽ hỗ trợ thị trường và nền kinh tế, nhưng đó không phải là chìa khóa.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh tay kiểm soát thị trường ngân hàng ngầm và điều này tạo áp lực lên thanh khoản nhà băng trong dài hạn. Diễn biến hiện nay chỉ là nhịp nghỉ giữa quãng, không phải yếu tố khiến giới chức đổi hướng”, Xia Le cho biết. 

Tin bài liên quan