Trung Quốc thúc giục các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng nhằm bình ổn thị trường bất động sản

Trung Quốc thúc giục các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng nhằm bình ổn thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thì thúc giục các ngân hàng duy trì tăng trưởng cho vay ổn định khi Bắc Kinh triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn thị trường bất động sản của nước này ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Hôm thứ Hai (ngày 22/8), PBOC đã giảm lãi suất cơ bản của khoản vay có thời hạn 5 năm, một tham chiếu cho các khoản thế chấp, 15 điểm cơ bản xuống còn 4,3% sau khi được cắt giảm cùng mức độ hồi tháng 5 vừa qua. PBOC hôm thứ Hai kêu gọi các tổ chức cho vay, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh lớn, thúc đẩy các khoản cho vay đối với nền kinh tế thực.

Động thái này diễn ra sau thông báo hôm thứ Sáu tuần trước (19/8) về các khoản vay đặc biệt được cung cấp cho các nhà phát triển bất động sản trong một chương trình có quy mô lên tới 200 tỷ nhân dân tệ (29,3 tỷ USD).

Trung Quốc đang hành động quyết liệt để giúp thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Doanh số bán nhà tiếp tục lao dốc, hoạt động đầu tư bất động sản đang sụt giảm, các chủ đầu tư thiếu tiền để hoàn thành các dự án còn người mua nhà thì không mặn mà với các khoản vay thế chấp.

Các khoản cho vay đặc biệt dành cho các nhà phát triển bất động sản là gói hỗ trợ tài chính lớn nhất từ ​​trước đến nay của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng. Khoản hỗ trợ này sẽ được chuyển qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc.

PBOC cũng cắt giảm lãi suất cơ bản đối với các khoản vay có thời hạn một năm hôm thứ Hai, giảm 5 điểm cơ bản ​​xuống còn 3,65%, mức giảm đầu tiên kể từ tháng Giêng năm nay. Hồi tuần trước PBOC cũng đã giảm 0,1% lãi suất đối với các khoản vay chính sách có thời hạn một năm.

Hyde Chen, người đứng đầu bộ phận chiến lược và quản lý tài sản của Haitong International, nhận định: “Đã đến lúc chính quyền trung ương thực sự cần phải vào cuộc. Với việc thị trường bất động sản đóng góp khoảng 20-30% tổng sản phẩm quốc nội, nó sẽ trở thành một “con voi trong phòng”.

“Họ thực sự cần cung cấp một điểm tựa để tạo sự tin tưởng đối với người mua nhà, rằng căn nhà mà họ mua sẽ được bàn giao ”, ông nói thêm.

Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc hôm qua (22/8) đóng cửa tăng 0,7%, phiên tăng điểm đầu tiên trong 3 phiên gần đây, trong bối cảnh thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm. Đặc biệt, giá chứng khoán của nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng 1,1%.

Mặc dù chi phí đi vay thấp hơn có thể giúp thúc đẩy nhu cầu vay vốn, nhưng điều đó chưa đủ để vực dậy niềm tin của người mua nhà.

Hồi tháng 6, lãi suất bình quân gia quyền đối với các khoản vay thế chấp mới đã giảm xuống còn 4,62%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 2017. Việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) thời hạn 5 năm có thể sẽ đẩy lãi suất trung bình của các khoản vay thế chấp xuống thấp hơn nữa, do mức sàn lãi suất của các khoản vay thế chấp được quy định phải thấp hơn tối thiểu 20 điểm cơ bản so với lãi suất LPR.

Nhà kinh tế học Larry Hu của Macquarie Group Ltd. ước tính lãi suất trung bình của các khoản vay thế chấp có thể giảm xuống 4,3%/năm trong quý III. Ông nói: “Việc lãi suất thế chấp giảm ở mức độ lớn như vậy trong một thời gian ngắn là chưa từng có tiền lệ”.

PBOC hôm thứ Hai cho biết, ngoài việc hỗ trợ nền kinh tế thực, các ngân hàng nên tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phát triển xanh, đổi mới khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác.

“Chúng ta phải củng cố nền tảng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế với tinh thần cấp bách, không có thời gian cho sự chờ đợi”, PBOC khuyến cáo.

Khoảng cách giữa việc cắt giảm lãi suất cơ bản đối với các khoản vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm cho thấy mong muốn của các ngân hàng nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản trong khi vẫn giữ lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức ổn định. Các ngân hàng cần bảo toàn được lợi nhuận do biên lãi ròng bình quân thu hẹp trong năm nay do chính sách tiền tệ nới lỏng và nhu cầu vay vốn thấp.

Các ngân hàng thương mại Trung Quốc đang rủng rỉnh tiền mặt nhưng không sẵn sàng hoặc gặp khó khăn trong việc tài trợ tín dụng cho các dự án. Cầu tín dụng đã giảm mạnh trong tháng 7, khiến một số nhà kinh tế cảnh báo về một "chiếc bẫy thanh khoản", khi lãi suất thấp không thể thúc đẩy cho vay trong nền kinh tế.

Trong khi PBOC có nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo sự phục hồi kinh tế đi đúng hướng, thì mức lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.

Bruce Pang, kinh tế trưởng và là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Greater China tại Jones Lang LaSalle Inc cho biết: “Việc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản một cách thận trọng hơn có thể tránh gây thêm áp lực lên lạm phát khi tính thanh khoản của nền kinh tế vẫn đang ở trong tình trạng giảm sút”.

Ông nói thêm rằng, PBOC có thể thực hiện các bước bổ sung, bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng như một cách để thay thế các khoản vay chính sách đáo hạn và giảm chi phí cấp vốn của các ngân hàng.

Zhang Zhiwei, Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Ltd., nhận định: “Các nhà chức trách đã nhận thức được sự gia tăng căng thẳng (trong lĩnh vực bất động sản) gây ra rủi ro vĩ mô khá cao, vì vậy họ cần hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề đó”.

Tin bài liên quan