Truy tố cựu Giám đốc Công ty CIPC (CIP) và đồng phạm tham ô tài sản

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Cao Minh Tâm (SN 1959, cựu Giám đốc Công ty CIPC) và 5 đồng phạm khác tội Tham ô tài sản

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Các bị can khác gồm Trần Tân Sơn (SN 1977), Trần Văn Thắng (SN 1979, đều là kỹ sư xây dựng), Ngô Anh Tuấn (SN 1972, cán bộ kỹ thuật điện công trình), Nguyễn Quang Duy (SN 1991, thủ kho công trình) và Cao Thanh Huyền (SN 1988, kế toán).

Theo cáo buộc, Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp (viết tắt là CIPC) có 52,15% vốn Nhà nước. Năm 2016, ông Tâm được bổ nhiệm làm Giám đốc.

Tháng 3/2017, Công ty CIPC ký hợp đồng thi công các hạng mục công trình tầng hầm từ cốt 0,00 trở xuống với Công ty cổ phần Bất động sản Đông Anh, tại Dự án tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán tại 119 đường K2, quận Nam Từ Liêm. Giá trị hợp đồng hơn 188 tỷ đồng.

Để thực hiện hợp đồng đã ký kết, Công ty CIPC ra quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường gồm các bị can Trần Tân Sơn (Chỉ huy trưởng), Trần Văn Thắng (Chỉ huy phó), Cao Thanh Huyền (Kế toán công trường), Ngô Anh Tuấn (cán bộ kỹ thuật điện), Nguyễn Quang Duy (thủ kho) và một số thành viên khác.

Theo quy định, Ban chỉ huy công trường có trách nhiệm trực tiếp quản lý tài sản, con người, phương tiện, máy móc, tiến hành thi công các hạng mục công trình, lập hồ sơ nghiệm thu để làm căn cứ thanh toán với chủ đầu tư.

Quá trình thực hiện, Ban chỉ huy công trường, Phòng kế hoạch dự án, lãnh đạo Công ty CIPC đã đề xuất duyệt mua nguyên liệu (thép) số lượng lớn so với hồ sơ thiết kế.

Theo quy định của Công ty CIPC về xử lý số lượng vật tư dư thừa, Công ty phải có quyết định bằng văn bản việc thành lập hội đồng thanh lý, hội đồng bán đấu giá. Nhưng để chiếm đoạt tiền, các bị can đã không thực hiện đúng quy định, tìm cách rút tiền Nhà nước để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Cáo trạng xác định, dù Công ty chưa có quyết định, chưa thành lập hội đồng thanh lý, hội đồng đấu giá, nhưng ông Tâm đã chỉ đạo cấp dưới bán thép vụn, thép cây, ván khuôn với số lượng lớn rồi chiếm đoạt.

Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt là hơn 860 triệu đồng. Trong đó, Trần Tân Sơn chiếm hưởng 15 triệu đồng; Ngô Anh Tuấn chiếm hưởng hơn 845 triệu đồng. Nguyễn Quang Duy bị xác định phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức.

Ngoài ra, các bị can Cao Minh Tâm, Trần Tân Sơn, Trần Văn Thắng và Cao Thanh Huyền còn có hành vi chiếm đoạt tiền thông qua việc lập hồ sơ thanh toán khống khối lượng vật tư, vật liệu (trên 4 hợp đồng).

Các bị can bị xác định đã rút quỹ công trường để chi tiêu rồi thống nhất lập hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống với 4 công ty, gây thất thoát hơn 1 tỷ đồng.

Đối với hành vi này, cáo buộc cho rằng, Trần Văn Thắng chiếm hưởng hơn 355 triệu đồng, Trần Tân Sơn chiếm hưởng hơn 435 triệu đồng, Cao Minh Tâm 210 triệu đồng, Cao Thanh Huyền 20 triệu đồng.

Ngoài ra, Trần Văn Thắng còn chiếm hưởng số tiền quỹ công trường là hơn 24 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, ông Tâm không thừa nhận số tiền 210 triệu đồng. Tuy nhiên, tài liệu điều tra thể hiện, ông Tâm nhận số tiền trên qua 2 lần từ Sơn và Thắng vào dịp tết dương lịch năm 2018 tại Ban chỉ huy công trường (180 triệu đồng) và dịp giáp Tết Nguyên đán năm 2017 tại nhà riêng (30 triệu đồng). Ông Tâm thừa nhận có việc Sơn và Thắng đến chúc tết tại nhà riêng nhưng chỉ có quà, không có tiền.

Hiện CIPC đang giao dịch tại UpCoM (mã CIP) với lợi nhuận như năm 2019 ghi nhận đạt 273 triệu đồng.

Giải trình về một số ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại BCTC năm 2019 của CIP, Công ty cho biết, dự án 119 đường K2 Cầu Diễn hiện đã thi công xong, đang chuẩn bị bàn giao cho chủ đầu tư.

Tính đến 31/12/2019 chi phí dở dang là 16,32 tỷ đồng, doanh thu dự kiến còn lại 1,2 tỷ đồng. Công ty đã lập hồ sơ đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ chi phí trượt giá vật tư và một số chi phí khác do phải tạm dừng thời gian thi công… với giá trị trước thuế khoảng 22,5 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư đang xem xét và chưa có ý kiến phản hồi.

Tin bài liên quan