TS. Lê Xuân Nghĩa: "Tôi từng không có niềm tin với việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội..."

TS. Lê Xuân Nghĩa: "Tôi từng không có niềm tin với việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội..."

(ĐTCK) TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, ông đã từng không có niềm tin với việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng quan điểm đó giờ đây đã phải thay đổi.

Nợ xấu thấp

Phát biểu tại Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững” do NHNN tổ chức sáng nay tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, chất lượng tín dụng chính sách xã hội đã không ngừng được củng cố và nâng cao.

Cụ thể, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhớ lại, thời điểm khi ông làm tại Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) được giao nhiệm vụ nghiên cứu triển khai mô hình NHCSXH. Theo đó, ông và các cộng sự đã đi khảo sát và thực tế thời điểm đó, không tin NHCSXH nếu được thành lập sẽ thành công trong dài hạn. Bởi nhìn vào nợ xấu thời điểm đó rất kinh hãi với trên 40%, nếu phát triển thành một ngân hàng không biết sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, với chỉ đạo của Chính phủ bằng mọi giá phải xây dựng NHCSXH, ông và các cộng sự vừa nghiên cứu xây dựng đề án vừa run, bởi không có niềm tin.

TS. Lê Xuân Nghĩa: "Tôi từng không có niềm tin với việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội..." ảnh 1

 Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm.

“Nhưng đến thời điểm hiện nay, nhìn vào con số nợ xấu thấp của NHCSXH so với thời điểm kinh hoàng trước đây có thể nói quá tuyệt vời”, TS. Nghĩa nói.

Để có được con số nợ xấu như ông Nghĩa nói là “tuyệt vời” đó, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, ông Hải cho biết, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao.

Cụ thể, NHCSXH cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp đã thường xuyên quan tâm thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; chú trọng tới việc củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt hệ thống các giải pháp.

Chẳng hạn, nghiên cứu, ban hành, sửa đổi, bổ sung, đảm bảo đồng bộ các cơ chế, quy trình nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở; chủ động phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng các đơn vị trong toàn hệ thống; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và thực hiện nguyên tắc có vay có trả; phối hợp với chính quyền thôn, xã, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi các khoản nợ.

Minh chứng cho việc sát sao với các khoản vay, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và thực hiện nguyên tắc có vay có trả đó là hộ gia đình ông Bùi Văn Quý, cư trú tại thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Tổng số tiền gia đình được NHCSXH huyện Thanh Oai xét duyệt cho 3 con đi học vay là 183,1 triệu đồng. Hiện nay, 2 con lớn mới ra trường và đi làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày và trả nợ tiền vay cho ngân hàng.

“Bố mẹ và các anh chị em trong nhà đã bàn bạc thống nhất về có kế hoạch hoàn trả vốn, lãi đến hạn theo các khoản mục vay đúng quy định của Chính phủ về cho vay học sinh sinh viên. Chúng tôi luôn ý thức tiết kiệm tiền hàng tháng gửi bố mẹ trả nợ cho NHCSXH, nên đến thời điểm hiện nay gia đình tôi chỉ còn nợ món vay của em trai thứ 3 trong nhà với số tiền là 16,5 triệu đồng”, em Bùi Thị Quỳnh, con gái thứ 2 của ông Quý chia sẻ tại Tọa đàm.

Tuy vậy, TS. Nghĩa nói: “Tôi vẫn băn khoăn, mục tiêu phát triển NHCSXH ổn định, bền vững vẫn còn là một câu hỏi lớn”.

Vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết

ThS. Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, với những thành tích đạt được, NHCSXH đã trở thành công cụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trước những thành tựu đạt được, NHCSXH vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện hơn nữa mô hình cơ chế đặc thù của mình, đáp ứng được những đòi hỏi mới của khách hàng và yêu cầu của thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

“Đầu tiên đó là quy mô cung ứng tín dụng, mặc dù tỷ lệ người trưởng thành ở khu vực nông thôn Việt Nam tiếp cận được vốn vay ở khu vực chính thức là khá cao so với các nước, nhưng quy mô cung ứng vẫn chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu thực tế của khu vực này”, bà Hòa nói

Theo kết quả điều tra nghiên cứu của CIEM, IPSARD, DERG (2011), World Bank (2014) và Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế của NHNN (2016), các hộ gia đình nông thôn Việt Nam vẫn phải tiếp tục dựa vào các nguồn tín dụng phi chính thức trong đó gia đình và bạn bè đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo nguồn số liệu điều tra của World Bank (2014), trong số 48,5% người dân nông thôn đang nắm giữ ít nhất một khoản vay, thì tỷ lệ nắm giữ khoản vay ở khu vực chính thức là 20,7%.

Như vậy, bên cạnh việc tiếp cận tín dụng từ khu vực chính thức, vẫn có một tỷ lệ khá cao người dân vẫn phải vay vốn từ khu vực phi chính thức, chưa kể những người vay ở khu vực chính thức nhưng vẫn phải vay thêm ở khu vực phi chính thức, trong đó một nguồn vay tương đối lớn ở khu vực nông thôn là các khoản vay từ bạn bè, người thân với tỷ lệ là 30%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, nguồn vốn chính của NHCSXH đến từ tiền gửi 2% của 4 NHTM có vốn nhà nước; phát hành trái phiếu NHCSXH; vốn do ngân sách trung ương cấp, vốn vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… 

“Việc tồn tại các cơ chế tín dụng đặc biệt cho người nghèo là tất yếu. Tuy nhiên, quan trọng hơn là làm thế nào để tăng cường khả năng đáp ứng về nhu cầu vốn cũng như đảm bảo được tính bền vững của một cơ chế tín dụng đặc biệt cho người nghèo. Điều này đòi hỏi NHCSXH cần tiếp tục đánh giá, nhìn nhận các thành công cũng như các vấn đề hiện tại, so sánh với các nguyên tắc và bài học đúc rút được từ thực tiễn quốc tế và điều kiện môi trường Việt Nam để có những bước đi phù hợp tiếp theo”, bà Hòa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan