TTCK đón đợi nhiều “thuốc” mới

(ĐTCK-online) Tại hội thảo "Doanh nghiệp với cổ phần hoá, tăng vốn và niêm yết" do UBCKNN phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch UBCKNN cho biết, để TTCK phát triển lành mạnh, hiện một loạt chính sách đang được dự thảo để sớm ban hành. ĐTCK ghi nhận những điểm nổi bật nhất.

 

Thưa bà, cảm nhận của cơ quan quản lý ra sao khi thị trường có những diễn biến tích cực trong vài tuần trở lại đây?

 

Ở góc độ cơ quan quản lý, nếu thị trường cứ tăng như tên lửa chúng tôi không hề thấy mừng mà thấy lo, vừa lo cho các nhà đầu tư nhỏ vừa lo cho cả thị trường. Quả thật, cuối tháng 9 chúng tôi bắt đầu nhấp nhổm không yên tâm, nhưng sau đó thị trường đã có những phiên điều chỉnh giảm cho thấy tín hiệu bền vững hơn.  Cũng có ý kiến cho rằng, nếu thị trường diễn biến như hồi từ tháng 4 đến tháng 8 (thị trường điều chỉnh giảm - PV) thì không thuận lợi nhưng tôi thấy, trong thời điểm này doanh nghiệp có thể huy động vốn gần giá trị thực hơn, chẳng hạn giá Bảo Việt rất hợp lý, chứ không quá cao như PVI. Thực ra, khi huy động vốn qua đấu giá quá cao, khi cổ phiếu ra giao dịch thứ cấp không ai được lợi, bản thân nhà đầu tư ban đầu mất tiền, tổ chức phát hành mất uy tín, Nhà nước cũng chẳng được lợi khi thị trường mất niềm tin.

 

Việc mở room cho thị trường được nhìn nhận ra sao trong thời điểm này?


Hiện có hơn 200 doanh nghiệp niêm yết nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp hết room, 10 doanh nghiệp có room dao động 30 - 49%, như vậy có thể thấy room cho nhà đầu tư ngoại còn khá lớn, nếu có tăng room nữa chưa chắc họ đã tham gia. Ở đây có hai vấn đề cần nhìn nhận, một mặt doanh nghiệp phải phấn đấu để nhà đầu tư  nước ngoài tin tưởng nhưng mặt khác quyết định còn nằm ở bản thân lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài.

 

Những trường hợp phát hành cổ phiếu ra công chúng đều phải xin phép UBCKNN. Vậy phát hành riêng lẻ sẽ chịu điều chỉnh ở quy định nào?


Thực tế đã nảy sinh những trường hợp phát hành cổ phiếu riêng lẻ, một số công ty đã lách luật chẳng hạn như trường hợp của ATIP - một công ty có trụ sở ở nước ngoài. Hiện UBCKNN đang dự thảo Nghị định quản lý phát hành riêng lẻ, theo đó những trường hợp phát hành riêng lẻ sẽ không phải làm cáo bạch và đăng ký với UBCKNN những sẽ phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, như cơ quan cấp đăng ký kinh doanh chẳng hạn.


Liên quan đến việc quản lý tài khoản tiền mặt của nhà đầu tư, bà có thể cho biết rõ hơn yêu cầu của UBCKNN về lộ trình thực hiện?


Dự kiến, tháng 2/2008 các CTCK bắt buộc phải áp dụng quy định ủy quyền quản lý tài khoản tiền mặt của nhà đầu tư cho các ngân hàng thương mại, trong buổi họp giữa UBCKNN và các CTCK mới đây việc liên kết giữa ngân hàng và CTCK được thống nhất có thể thực hiện được. Bước đầu, có thể hợp tác dừng ở việc ngân hàng mở quầy giao dịch tại CTCK để thu chi tiền của nhà đầu tư nhưng làm như vậy thì tiền vẫn chảy về tài khoản của CTCK và vẫn có thể bị lạm dụng. Thời gian đầu thì có thể thực hiện như vậy nhưng UBCKNN sẽ yêu cầu CTCK đăng ký lộ trình để tiến tới tách bạch việc quản lý tiền của nhà đầu tư.