CSTT hiện có thể được xem là đang chuyển động theo hướng giảm bớt mức độ nới lỏng.

CSTT hiện có thể được xem là đang chuyển động theo hướng giảm bớt mức độ nới lỏng.

TTCK dưới tác động của chính sách tiền tệ

(ĐTCK) Mục tiêu tối thượng của chính sách tiền tệ (CSTT) là đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững (chứ không phải là điều tiết ổn định TTCK), song các động thái của chính sách này có tác động rất lớn đến TTCK. Thông thường, có 3 trạng thái của CSTT là nới lỏng (trạng thái 1), trung tính (trạng thái 2) và thắt chặt (trạng thái 3).

Một cách giản lược, có thể hiểu trạng thái trung tính của CSTT được áp dụng khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức tiềm năng với lạm phát trong tầm kiểm soát. Trạng thái nới lỏng được áp dụng khi kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Trạng thái thắt chặt được áp dụng khi nền kinh tế có biểu hiện tăng trưởng nóng trên mức tiềm năng với áp lực lạm phát cao. Điều chỉnh CSTT theo hướng nới lỏng (chuyển từ trạng thái 3 sang 2 hoặc 2 sang 1 hoặc tăng mức độ của trạng thái 1) sẽ có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh của các công ty, qua đó tác động tích cực tới TTCK và ngược lại.

Các thành viên tham gia thị trường thường cố gắng dự báo định hướng CSTT của ngân hàng trung ương (NHTW) để đoán định việc thay đổi các trạng thái của CSTT dựa vào đánh giá về thực trạng và triển vọng tăng trưởng GDP và lạm phát của nền kinh tế của NHTW. Tại các nước phát triển, có rất nhiều đánh giá khác nhau về thực trạng và triển vọng của nền kinh tế, nhưng bao giờ đánh giá kinh tế của NHTW cũng được thị trường lắng nghe nhất, dù những phân tích và đánh giá này không phải lúc nào cũng sát thực (điển hình là trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động vừa qua, FED trong đầu năm 2008 vẫn dự báo rằng, hồi phục kinh tế sẽ đến vào cuối năm khi các bất ổn của thị trường tài chính gắn với tín dụng dưới chuẩn bùng phát từ tháng 8/2007 được kiềm chế). Sở dĩ được quan tâm vì những đánh giá này là kim chỉ nam để thị trường dự báo về những động thái về CSTT trong tương lai, từ đó có phản ứng phù hợp. Vì thị trường luôn dự báo khá sát sao động thái CSTT dựa trên sự trao đổi thông tin chính thức (với cơ chế thông tin đại chúng minh bạch, đều đặn) và không chính thức với NHTW để điều chỉnh tương thích (phản ánh vào giá chứng khoán dần dần), nên chỉ những điều chỉnh CSTT có tính bất ngờ mới làm thị trường phản ứng mạnh.

Nghiên cứu của Bernanke (năm 2003) về TTCK Mỹ trong giai đoạn 5/1989 - 9/2002 cho thấy, sau quyết định nới lỏng bất ngờ của FED thông qua giảm 25 điểm cơ bản lãi suất chủ đạo đã làm các chỉ số chứng khoán chủ chốt ngay sau đó tăng 0,75 - 1,25%. Mức phản ứng của TTCK càng lớn khi việc điều chỉnh trạng thái chính sách được thị trường đánh giá là lâu dài chứ không phải là tạm thời.

Song lưu ý là tác động của thắt chặt và nới lỏng CSTT với TTCK có thể có một chiều khác với chiều tác dụng ở trên. Khi định hướng chính sách là nới lỏng đồng thời hàm ý với đánh giá không tích cực của NHTW về triển vọng tăng trưởng, qua đó có tác dụng tiêu cực với TTCK và ngược lại, khi định hướng thắt chặt áp dụng đồng nghĩa với việc NHTW đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kéo theo tác dụng tích cực với TTCK.

Trở lại với TTCK Việt Nam, tác động của CSTT có thể còn mạnh hơn do liên quan đến mức tăng trưởng tín dụng nói chung và dòng tín dụng chảy vào TTCK nói riêng, vì CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam còn tác động trực tiếp lên điều kiện chặt chẽ hoặc dễ dãi trong hoạt động cho vay của NHTM. Chúng ta có thể thấy rõ tác động của điều chỉnh CSTT từ năm 2006 đến nay.

Việc NHNN công bố điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống mức 27% trong năm 2009 và giảm mức lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 3,6% xuống 1,2% gần đây là một động thái điều chỉnh CSTT tương đối bất ngờ trong điều kiện tăng trưởng kinh tế rõ ràng còn rất nhiều thách thức, do đó có tác dụng rõ rệt với TTCK trong 2 - 3 tuần qua. CSTT có thể được xem là đang chuyển động theo hướng giảm bớt mức độ nới lỏng, tức là đang theo hướng thắt chặt một cách tương đối. NHNN có thể lo ngại về chất lượng của tăng trưởng tín dụng nóng hơn mức cần thiết, thay vì tự tin có thể dễ dàng đạt được mức tăng trưởng GDP mục tiêu 5% trong năm nay. Thêm vào đó, mức tăng trưởng vẫn đang dưới mức tiềm năng nên trạng thái CSTT có thể vẫn ở điều kiện nới lỏng, song định hướng CSTT thì rõ ràng đã ở không gian thắt chặt. Vì tính ràng buộc của mục tiêu tăng trưởng tín dụng 27% không hoàn toàn chặt chẽ, đặc biệt là khi các NHTM cổ phần dưới áp lực cam kết với cổ đông các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận, có thể khiến cả hệ thống vượt quá mốc đề ra. Bởi khối này hiện chiếm tới gần 50% thị phần tín dụng lại luôn có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn đáng kể so với mức trung bình trong nhiều năm qua khiến có cơ sở để dự báo rằng, NHNN sẽ sử dụng công cụ sẵn có trong tay của mình như dự trữ bắt buộc, tín phiếu hoặc thị trường mở. Song trạng thái nới lỏng nhất định của CSTT vẫn có thể được duy trì trong vài tháng tới trước khi chuyển hẳn sang trạng thái trung tính. CSTT chú trọng vào chất lượng tín dụng có tác động tốt cho TTCK trong trung và dài hạn, với tác động trực tiếp là hạn chế dòng tiền đầu cơ để thị trường có những điều chỉnh cần thiết cho sự phát triển dài.

Liên hệ giữa chính sách tiền tệ và TTCK

TTCK dưới tác động của chính sách tiền tệ ảnh 1