Một phiên họp toàn thể tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XV.

Một phiên họp toàn thể tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XV.

Tuần này, Quốc hội bấm nút nhiều nội dung quan trọng, bế mạc Kỳ họp thứ năm

0:00 / 0:00
0:00
Các dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi cùng được thảo luận ở tuần làm việc cuối cùng này.

Sáng nay (19/6), Quốc hội bắt đầu đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ năm, diễn ra trong 6 ngày.

Xen kẽ các nội dung thảo luận, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Giá (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng sẽ được bấm nút vào ngày cuối của kỳ họp.

Các nghị quyết được Quốc hội bấm nút gồm: phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.

Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) cũng sẽ được bấm nút vào chiều thứ sáu (23/6).

Làm việc liên tục cả thứ bảy, chiều 24/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Sau đó, trong phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Nội dung cuối cùng được bấm nút là Nghị quyết Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đáng chú ý, ở đợt hai này, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi).

Đây là ba dự án luật có mối liên quan khá mật thiết, song còn không ít nội dung được chỉ ra là đang chồng chéo, mâu thuẫn. Vì thế, việc sửa cùng lúc ba luật này được nhìn nhận là cơ hội vàng để tháo gỡ những nút thắt trong đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản.

Với vai trò đặc biệt quan trọng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được dành trọn ngày 21/6 thảo luận tại hội trường. Dù đã được tiếp thu ý kiến nhân dân, song dự thảo Luật Đất đai mới nhất vẫn khiến nhiều đại biểu băn khoăn, đặc biệt là vấn đề tài chính đất đai, trong đó có giá đất.

Một số dự án luật khác cũng được đặt lên bàn nghị sự tuần này là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn Thông (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Trong số này, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là dự án mới được Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để cho ý kiến ngay tại kỳ họp này.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã thể hiện chính kiến chưa cần thiết ban hành luật này.

Tại kỳ họp này, thẩm tra dự án luật. Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với phạm vi điều chỉnh là “quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.

Tuy nhiên, về nội dung cụ thể, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng dự thảo Luật quy định các nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rộng và “nặng” so với vị trí, chức năng là lực lượng tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an chính quy trong hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, nhiều nhiệm vụ đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về pháp luật, có chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ nhất định.

Có ý kiến cho rằng, nhiều quy định về nhiệm vụ còn chung chung, thiếu cụ thể, sẽ khó khăn trong việc thực hiện; đề nghị phân định rõ nhiệm vụ của lực lượng này với nhiệm vụ của lực lượng Công an cấp xã (chính quy) và các lực lượng khác ở cơ sở.

Tin bài liên quan