Đại biểu Quốc hội: Bảo mật thông tin khách hàng càng chặt chẽ, uy tín ngân hàng càng cao

Đại biểu Quốc hội: Bảo mật thông tin khách hàng càng chặt chẽ, uy tín ngân hàng càng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên thế giới, thông tin khách hàng của ngân hàng thuộc diện bí mật hàng đầu. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, cơ chế bảo vệ vùng thông tin này càng chặt chẽ thì uy tín càng cao và ngân hàng càng phát triển.

Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đề án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Bảo vệ bí mật thông tin khách hàng của ngân hàng là một nội dung được đặt ra, với yêu cầu cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa.

Bởi theo thực tiễn đại buổi Quốc hội dẫn ra, quy định hiện nay cho phép mở rộng tới cấp thành viên các đoàn thanh tra, kiểm tra với nhiều ngành như hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư…, xuống tận cấp huyện nên phải có tới hàng chục nghìn người có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng.

Đó là quyền con người được bảo vệ

Dự thảo Luật có sửa đổi quy định tại Điều 14, theo hướng mở rộng diện bí mật so với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; bí mật được quy định là “thông tin khách hàng” nói chung, tức bao gồm tổng thể, chứ không nêu cụ thể “thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng” như trước.

Bên cạnh điểm trên, nêu ý kiến tại phiên thảo luận chiều 10/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) chỉ ra những điểm đáng chú ý khác trong dự thảo quy định, gắn với các quy định pháp lý hiện hành và đề nghị cần xây dựng chặt chẽ hơn nữa các quy định bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng, đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn Khoản 3 Điều 14 tại dự thảo thì “tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của khách hàng”, còn Khoản 2 nói phải bảo đảm bí mật thì theo quy định của Chính phủ. Những điểm này cần được xem xét.

Trước hết, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh rằng, trên thế giới, ngân hàng là ngành nghề được chú trọng hàng đầu trong bí mật thông tin khách hàng. Theo thông lệ quốc tế, một số ngành nghề mà bí mật thông tin khách hàng được bảo vệ rất nghiêm ngặt bằng hiến pháp và bằng luật, bao gồm: Thứ nhất là ngành ngân hàng, thứ hai là ngành y, thứ ba là nghề luật sư.

Theo đại biểu Nghĩa phân tích, thông lệ trên định rõ vì bí mật của ngành ngân hàng thuộc về bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật riêng tư. Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một quyền con người được ghi nhận trong công ước quốc tế, mà Việt Nam là thành viên.

Cũng chính vì vậy, Hiến pháp 2013 của Việt Nam, tại Điều 21 đã ghi rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Và Điều 14 của Hiến pháp 2013 cũng nêu rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Kết nối với những quy định trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Nhưng ở đây chuyện cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng thì rõ ràng là hạn chế quyền con người được bảo vệ thông tin. Ở Điều 14 chúng ta lại quy định là theo quy định của Chính phủ hoặc là theo quy định của pháp luật là không đầy đủ và ngân hàng chúng ta cũng cần phải cạnh tranh quốc tế. Chúng ta hội nhập rất sâu rồi, cho nên quy định bảo vệ thông tin khách hàng càng chặt chẽ thì uy tín chúng ta càng cao và ngân hàng của chúng ta càng phát triển”.

Theo đó, vị đại biểu đến từ đoàn TP.HCM đề nghị cần sửa lại Điều 14 trong dự thảo là chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan, chứ không phải là pháp luật.

Một thực trạng gây khó khăn cho các ngân hàng

Cùng với những phân tích và yêu cầu trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định hiện nay có độ mở quá rộng gây khó khăn cho các ngân hàng, cũng như liên quan đến quyền con người trong bảo mật thông tin và pháp luật bảo vệ, đảm bảo an toàn.

Theo ông, quá nhiều người, phải tới hàng chục nghìn người ở rất nhiều lĩnh vực được yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin ngân hàng, thậm chí mở rộng tới cấp huyện, cấp thành viên chứ không chỉ cấp thủ trưởng và phó thủ trưởng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn lại, khi Chính phủ xây dựng Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có một ý rất hay và rất đúng là chỉ được cung cấp theo các quy định cụ thể của bộ luật, của luật và nghị quyết của Quốc hội.

“Câu này rất chuẩn vì đó là hạn chế quyền con người. Cho nên khi nào bộ luật, luật và nghị quyết của Quốc hội cho phép thì mới được làm việc đấy. Điều 11 này của Nghị định 117, chúng tôi đề nghị đưa nó vào Điều 14 của Luật Các tổ chức tín dụng để chúng ta thống nhất áp dụng bằng luật”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

Theo đó, đại biểu Nghĩa đề nghị chỉ yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến những vụ án đang được khởi tố, điều tra và những nội dung yêu cầu cũng là cần thiết cho việc điều tra, tránh tình trạng hiện nay là “bỗng dưng có công văn đến yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng”.

Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, hiện nay có bất cập về sự mở rộng. Điều 10 Nghị định 117 quy định diện được cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng mở rộng đến tận thành viên đoàn thanh tra của Chính phủ, thành viên đoàn kiểm toán; các cơ quan điều tra thì mở rộng xuống cấp huyện; các cơ quan có nhiệm vụ điều tra như kiểm ngư, kiểm lâm, hải quan…

“Tôi tính ra phải hàng chục ngàn người có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói và đề nghị điều chỉnh lại, đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng với quy định rõ đối tượng nào mới được yêu cầu.

Tin bài liên quan