Tỷ giá nóng dần, lãi suất có còn cơ hội giảm?

0:00 / 0:00
0:00
Tỷ giá hối đoái bất ngờ tăng trở lại trong những ngày đầu tháng 7 sau hơn nửa năm ổn định và trong xu hướng mặt bằng lãi suất giảm dần. Song theo nhận định từ các nhà phân tích tài chính, tỷ giá tăng sẽ hạn chế khả năng giảm mạnh lãi suất.
Trong ngắn hạn, tỷ giá có thể sẽ tiếp tục biến động tăng tương đối. Ảnh: Đức Thanh

Trong ngắn hạn, tỷ giá có thể sẽ tiếp tục biến động tăng tương đối. Ảnh: Đức Thanh

Tỷ giá bật tăng trở lại

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố trong ngày cuối tuần là 23.833 VND/USD, tăng 5 đồng so với phiên liền trước. Cụ thể, giá USD tại các ngân hàng bất ngờ tăng trở lại kể từ ngày 3/7 và đang ở mức cao nhất trong hơn 3 tháng trở lại đây.

Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, tỷ giá chịu sức ép khi chênh lệch lãi suất liên ngân hàng của USD và VND tiếp tục tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ còn nâng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo. Tuy vậy, với cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại tệ dồi dào (ước tính từ đầu năm NHNN đã bổ sung 6 tỷ USD) nên theo giới phân tích tài chính - ngân hàng, áp lực giảm của VND không lớn.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán MBKE đưa ra nguyên nhân khiến tỷ giá bật tăng là do nhu cầu USD đột xuất từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thanh toán nhập khẩu điện, trong khi chênh lệch lãi suất USD và VND cao khiến dòng tiền thực chảy vào Việt Nam chưa được dồi dào. Theo MBKE, trong ngắn hạn, tỷ giá có thể tiếp tục biến động tăng tương đối. Điều này có thể khiến NHNN thận trọng hơn trong việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. NHNN có thể can thiệp bằng cách hút tiền VND trên hệ thống liên ngân hàng, giảm tốc độ mua USD cho dự trữ ngoại hối, hay tạm hoãn các kế hoạch cắt giảm lãi suất chính sách.

Trong dài hạn, Fed có thể chỉ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa khoảng 0,25 điểm phần trăm trong tháng 7 trước khi dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ lại và bắt đầu chu kỳ nới lỏng mới từ đầu năm 2024. Điều này sẽ giảm áp lực chêch lệch lãi suất cho VND.

Tỷ giá ổn định trong nửa đầu năm được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp NHNN có điều kiện thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN đã mua được ngoại tệ từ tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Lãi suất điều hành giảm thêm

NHNN đã giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023, đứng về mục tiêu tăng trưởng và hạ bớt tấm khiên về ổn định tỷ giá. Song tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện nhiều trong quý III cũng được cho là cơ sở để NHNN cân đối giảm tiếp lãi suất điều hành.

Chênh lệch lãi suất USD và VND nới rộng sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng. Hiện chênh lệch lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn khoảng 0,3-1,4% so với lãi suất USD.

Ngân hàng UOB cho rằng, còn dư địa để NHNN giảm lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản trong quý III/2023 trước khi NHNN tạm dừng để đánh giá tác động. Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ (Ngân hàng UOB), trước đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế, NHNN đã hành động quyết liệt hơn, UOB kỳ vọng, bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 150 điểm cơ bản so với đầu năm, xuống còn 4,5%. Nhưng UOB dự đoán, lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản trong quý III/2023 (xuống 3,5% đối với lãi suất tái cấp vốn), trước khi NHNN tạm dừng để đánh giá các tác động.

Còn Ngân hàng HSBC kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm thêm 0,5% lãi suất trong quý III/2023, đồng thời kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV. Theo HSBC, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường nỗ lực đưa ra các biện pháp kích cầu kinh tế. Về mặt tiền tệ, NHNN đã có hàng loạt động thái bất ngờ trong quý II/2023. Trong khi lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá VND tương đối ổn định cũng hỗ trợ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi rủi ro tăng giá kéo dài đối với lạm phát, thì VND có thể phải đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá từ lãi suất thực đang “xói mòn”.

Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ tiền tệ, về mặt tài khóa, các nhà chức trách cũng đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ tài khóa khác nhau, với mức độ gần như tương đương với những biện pháp được ban hành trong đại dịch. Cụ thể giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho một số lĩnh vực, hoãn nộp thuế đối với các loại thuế khác nhau trong 3 - 6 tháng, cũng như cắt giảm thuế môi trường đối với xăng và dầu diesel.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN và các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu hạ lãi suất cho vay. NHNN cũng có văn bản tiếp tục yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Với những yếu tố trên, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, mức xem xét tiếp theo đối với tỷ giá VND/USD là 24.500. Tỷ giá VND/USD có thể tăng vượt mức này nếu đồng USD tăng tốc mạnh, nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích lũy trở lại.

Tin bài liên quan