Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trì trệ, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã quyết định cho phép các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối ấn định tỷ giá mua - bán giao ngay giữa VND và USD trong biên độ +/-3% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tăng 1% so với mức +/-2% áp dụng trước đó. Tỷ giá thực tế hơn một tuần qua đã mặc dù đã giảm nhưng vẫn xấp xỉ ở mức 17.000 đồng/USD. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tỷ giá như hiện nay có thể hỗ trợ tốt cho xuất khẩu, bởi hầu hết DN xuất khẩu đều thu USD và đổi ra VND để trang trải các khoản chi phí trong nước như trả lương nhân công, mua nguyên vật liệu…
Chính vì vậy, trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành hàng như dệt may, thủy sản…, đang có dấu hiệu giảm sút, tỷ giá USD/VND tăng lên sẽ phần nào hỗ trợ thêm cho DN. Với một DN sản xuất hàng xuất khẩu từ các nguyên vật liệu trong nước có doanh số khoảng 10 - 20 triệu USD/năm thì con số chênh lệnh giá USD từ tỷ giá tăng thêm sẽ là một khoản thu đáng kể. Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, xuất khẩu năm 2008 củaViệt Nam tuy có giảm so với kế hoạch đặt ra, nhưng so với năm 2007 vẫn tăng, nên nguồn ngoại tệ thu về vẫn dồi dào. Ngoài ra, so với các nước trong khu vực, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn thuộc nhóm khá cao nên Nhà nước sẽ duy trì chính sách hỗ trợ xuất khẩu bằng tỷ giá. Đây là sẽ điều kiện tốt cho các DN xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với các đơn vị xuất khẩu mà lại phải nhập nguyên liệu ở nước ngoài thì tỷ giá tăng cũng không hỗ trợ được nhiều trong tình trạng khó khăn hiện nay. Đại diện một DN chuyên sản xuất đồ gỗ cho rằng, các DN ngành gỗ đa số vẫn phải nhập nguyên liệu nên cũng phải sử dụng USD để thanh toán chi phí nhập khẩu, vì vậy tỷ giá tăng như hiện nay cũng chỉ có ý nghĩa rất nhỏ.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, tỷ giá nới rộng là cơ hội cho các DN xuất khẩu và sẽ làm khó các DN nhập khẩu, ông Hồ Quốc Huệ, Giám đốc Tiếp thị Công ty CMC Distribution cho rằng, tỷ giá USD như hiện nay tạm thời vẫn chưa ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm cũng như doanh số bán hàng của DN. Bởi tỷ giá tăng đã nằm trong dự đoán từ trước của Công ty.
"Thời kỳ nguồn cung USD khan hiếm, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do có lúc vọt lên đến 19.000 đồng/USD, khiến nhiều DN hoảng hốt. Vấn đề hiện nay của các DN không phải là tỷ giá, mà là khủng hoảng kinh tế đang ở cấp độ toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước", ông Huệ cho biết.
Mặc dù vậy, tỷ giá dao động lớn không chỉ khiến DN nhập khẩu hàng hóa không khéo có thể bị "lõm", mà ngay cả các ngân hàng thương mại cũng lo ngại sẽ gặp phải rủi ro, vì nhiều khi trở tay không kịp nếu có biến động lớn. Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, biên độ tỷ giá được mở rộng, ngân hàng có cơ hội ăn chênh lệnh được 10 đồng thì cũng có nguy cơ mất đi 10 đồng, nếu tỷ giá biến động lên - xuống quá nhanh. Đây cũng là lo ngại chung của cả DN xuất và nhập khẩu.
"Nếu tỷ giá được nới thêm và có biến động quá nhanh, chẳng hạn, hôm nay 17.000 đồng/USD, ngày mai lên 17.200 đồng/USD và ngày kia đã ở mức 17.300 đồng/USD… và nguồn cung lại khan hiếm thì mới đáng lo sợ. Còn mức dao động như hiện nay tại các ngân hàng thương mại là chấp nhận được", đại diện một DN cho biết.
Theo cán bộ nguồn vốn của một ngân hàng thương mại quốc doanh, tỷ giá tăng không chỉ mang lại cơ hội, nếu không theo dõi sát diễn biến của tỷ giá thì ngay cả các DN xuất khẩu cũng sẽ gặp rủi ro. Nhất là khi hiện nay, việc bảo hiểm rủi ro về tỷ giá rất ít khi được các DN xuất nhập khẩu thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.
"Khi tỷ giá USD tăng lên thì thông thường các DN xuất khẩu sẽ có lợi. Nhưng trong trường hợp những DN này đi vay VND và khi bán được hàng có USD trả nợ mà giả sử 3 tháng sau tỷ giá quay ngược thì họ sẽ bị thiệt hại lớn", vị cán bộ này cho biết.