Tỷ giá USD/VND giai đoạn cuối năm được dự báo dao động trong khoảng 24.300 - 24.400

Tỷ giá USD/VND giai đoạn cuối năm được dự báo dao động trong khoảng 24.300 - 24.400

Tỷ giá và lãi suất ổn định mặt bằng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa bao giờ tỷ giá, lãi suất lại cùng có sự biến động mạnh như 2 năm vừa qua, nhưng dường như sự ổn định đã dần trở lại.

Tỷ giá: Thêm dư địa ổn định

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, chưa bao giờ lãi suất ngắn hạn của đồng USD lại cao hơn lãi suất VND như trong năm 2023, tạo sức ép lớn lên tỷ giá giữa VND và USD. Trong bối cảnh đó, việc vừa phải giảm mạnh lãi suất VND nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, vừa phải điều hành tỷ giá USD/VND linh hoạt, hài hòa trong tầm kiểm soát, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn đặt ra cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, tỷ giá gần đây đã hạ nhiệt, tỷ giá liên ngân hàng dao động quanh mức 24.400 VND/USD, tuy cao hơn khoảng 3% so với đầu năm, nhưng giảm 1% so với đỉnh.

Ông Đinh Quang Hinh, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần đây nhất vào đầu tháng 11 đã giữ nguyên lãi suất điều hành trong phạm vi 5,25 - 5,50%/năm. Đây là cuộc họp thứ hai liên tiếp, Fed giữ nguyên lãi suất điều hành sau quá trình tăng kéo dài. Sau đó, chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất tháng 10 của Mỹ đều thấp hơn dự báo. Vì thế, thị trường đang nghiêng về kịch bản Fed tiếp tục tạm dừng việc tăng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 12/2023 và sẽ cắt giảm lãi suất kể từ quý II/2024.

“Kỳ vọng, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong giai đoạn cuối năm 2023, dao động trong khoảng 24.300 - 24.400, do Fed tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất và có các yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của VND, bao gồm thặng dư thương mại cao kỷ lục, thặng dư tài khoản vãng lai cao, FDI và kiều hối ổn định”, ông Hinh chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho hay, ông tin tưởng Việt Nam sẽ duy trì được sự ổn định của tỷ giá, bởi cán cân thanh toán năm nay ước tính thặng dư thương mại ở mức cao, khoảng 25 - 26 tỷ USD và thặng dư thương mại dự báo sang năm sẽ tiếp tục cải thiện, lên 27 - 28 tỷ USD, do dự kiến xuất khẩu tăng 10,4%, trong khi nhập khẩu tăng 7,8%. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI ròng năm nay vào Việt Nam dự kiến đạt khoảng 14,7 tỷ USD, sang năm đạt khoảng 15,5 tỷ USD. Ngoài ra, kiều hối sẽ duy trì trong khoảng 18 - 20 tỷ USD.

Ông Thuân cho rằng, đó là những tín hiệu rất tốt, nhưng có một số thách thức liên quan đến chênh lệch lãi suất USD - VND; cán cân thu nhập dự kiến thâm hụt ở mức cao do các khoản thanh toán/rút lợi nhuận của khối doanh nghiệp FDI về nước trong bối cảnh lãi suất cao và một số nước áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập khi các doanh nghiệp của họ chuyển lợi nhuận về nước; chuyển giao vãng lai/cán cân thu nhập sơ cấp luôn thặng dư do sự ổn định của dòng kiều hối về Việt Nam. Trong môi trường quốc tế lãi suất cao, xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền về nước vẫn diễn ra khá mạnh và điều này cũng nằm trong dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho năm 2024.

“Diễn biến này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn ở cả Trung Quốc, Hàn Quốc. Ví dụ, các doanh nghiệp đầu tư ngoài Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đã mang về 31 tỷ USD, bằng 12 lần con số cùng kỳ năm ngoái, bởi Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích doanh nghiệp mang tiền về nhằm cải thiện cán cân thanh toán và kinh tế vĩ mô. Do vậy, áp lực nhiều khả năng vẫn còn trong năm tới, nhưng về dài hạn, Việt Nam có dư địa để giữ ổn định tỷ giá”, ông Thuân nói.

Với dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 được dự báo đạt khoảng 100 tỷ USD, năm 2024 tăng lên hơn 110 tỷ USD, tương đương 17 tuần nhập khẩu, Chủ tịch FiinGroup nhận định, điều này góp phần giúp Việt Nam có thêm dư địa ổn định tỷ giá, trong bối cảnh lạm phát thời gian tới không phải là rủi ro lớn đối với nền kinh tế.

Lãi suất: Khó giảm sâu thêm

Lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, nhưng thị trường nợ sẽ phải chấp nhận câu chuyện rủi ro cao, lãi suất cao và rủi ro thấp, lãi suất thấp, không nên kỳ vọng giảm sâu.

Áp lực tỷ giá giảm bớt đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước gần đây bơm lượng tiền đã hút ròng trước đó ra thị trường thông qua kênh thị trường mở (OMO). Trong tuần từ ngày 6 - 10/11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 50.000 tỷ đồng qua kênh OMO. Còn tuần từ 13 - 17/11, kênh OMO không thực hiện giao dịch mới và với 55.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, tổng khối lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường tiếp tục giảm mạnh, xuống 98.700 tỷ đồng.

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước không phát sinh thêm giao dịch tín phiếu mới, toàn bộ khối lượng tín phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn trong tuần đầu tháng 12, tương đương với việc cơ quan này bơm trả lại hệ thống gần 100.000 tỷ đồng trong vòng 3 tuần.

Diễn biến trên đã xóa đi lo ngại của thị trường về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ do áp lực tỷ giá.

Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại giảm còn 5,3%/năm, giảm 2,5%/năm so với cuối năm 2022, trở về mức thấp như giai đoạn dịch Covid-19 (năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022), do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.

“Chúng tôi kỳ vọng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ ở mức 5,2%/năm vào cuối năm 2023 và lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, nhờ chi phí huy động của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây”, ông Đinh Quang Hinh chia sẻ.

Dự báo xa hơn về lãi suất, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, lãi suất trên thị trường quốc tế khó đoán định, nhưng có thể sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2024 và điều này có ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam. Cụ thể, môi trường lãi suất cao thì nhu cầu người tiêu dùng giảm, đồng thời vốn FDI sẽ thấp do nhà đầu tư nước ngoài rút tiền về để hưởng chênh lệch lãi suất. Mặc dù vậy, tại Việt Nam, lãi suất huy động đã giảm sâu, ít có khả năng giảm thêm. Theo đó, lãi suất cho vay có thể giữ ở mức hiện tại, thậm chí sẽ tăng đối với những ngành có mức độ rủi ro cao.

“Lãi suất huy động đã giảm khá sâu nên tôi không kỳ vọng giảm thêm. Còn lãi suất cho vay bình quân hiện khoảng 9%/năm, giảm nhẹ so với trước, nhưng thị trường nợ sẽ phải chấp nhận câu chuyện rủi ro cao, lãi suất cao và rủi ro thấp, lãi suất thấp. Chúng ta không nên kỳ vọng lãi suất trên thị trường tín dụng sẽ tiếp tục giảm mạnh”, ông Thuân nói.

Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho biết: “Các điều kiện trước đây đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% không còn. Chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5%/năm cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài”.

Tin bài liên quan