UBCK bỏ sót nhiều DN vi phạm công bố thông tin

UBCK bỏ sót nhiều DN vi phạm công bố thông tin

(ĐTCK) Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên, thậm chí cả BCTC năm của nhiều công ty không kèm phần thuyết minh, nhưng chưa thấy UBCK xử phạt.

>> Băn khoăn hệ thống công bố thông tin mới

>> Giải trình thông tin vẫn mang tính đối phó

Vẫn còn khoảng cách lớn giữa các quy định pháp luật và thực tế áp dụng trên TTCK. Có những quy định không rõ ràng khiến DN không biết phải làm thế nào; có những vấn đề pháp luật yêu cầu, nhưng DN không thực hiện cũng… không sao.

Quy định không rõ ràng

Thứ nhất, Điểm 3.2 Khoản 3 Điều 10 Thông tư 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK quy định, nếu lợi nhuận sau thuế của quý báo cáo so với cùng kỳ năm trước có biến động từ 10% trở lên, hoặc kết quả kinh doanh trong quý bị lỗ, thì tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải giải trình rõ nguyên nhân trong báo cáo tài chính (BCTC) quý đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy với DN là không phù hợp, bởi nếu DN năm ngoái lỗ 10 đồng và năm nay lãi 2 đồng thì không thể nói lợi nhuận năm nay của DN tăng bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN vẫn phải thực hiện nghĩa vụ giải trình. Đơn cử, CTCP Bia Sài Gòn Miền Trung (SMB) đã phải giải trình do 6 tháng đầu năm 2013 lãi hơn 24,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 536 triệu đồng. Lưu ý, Thông tư 52 chỉ đề cập đến nghĩa vụ giải trình khi lợi nhuận quý có biến động, không nói gì đến lợi nhuận 6 tháng hay lợi nhuận cả năm.

UBCK bỏ sót nhiều DN vi phạm công bố thông tin ảnh 1

Công ty đại chúng chào bán ra công chúng phải lên sàn trong thời hạn 1 năm

Thứ hai, Điều 11, Thông tư 52 quy định, DN phải công bố thông tin trong vòng 24 giờ khi bị tổn thất tài sản có giá trị từ 10% vốn chủ sở hữu trở lên tính tại BCTC năm gần nhất đã được kiểm toán, hoặc BCTC bán niên gần nhất được soát xét.

Tài sản bị trộm cắp, thiệt hại do hoả hoạn, bão lũ gọi là “tổn thất” thì dễ hiểu, nhưng tài sản bị tổn thất do hao mòn tự nhiên, do lạc hậu kỹ thuật, lỗi mốt… liệu DN có phải giải trình hay không? Đây cũng là điều chưa được định rõ trong văn bản pháp lý này.

 

Không thực hiện cũng không sao

Điều 7 và Điều 10 Thông tư 52 quy định, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố BCTC bán niên và BCTC năm trên website của mình và các phương tiện khác. Thông tư nêu rõ, BCTC năm và quý gồm: 1) bảng cân đối kế toán, 2) báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, 3) báo cáo lưu chuyển tiền tệ và 4) bản thuyết minh BCTC. Thông tư 52 không nêu BCTC bán niên bao gồm những gì, nhưng căn cứ Điều 16 Luật Chứng khoán 2006 thì các công ty khi công bố BCTC bán niên phải công bố cả 4 báo cáo nêu trên. Vậy nhưng, trên thực tế, BCTC bán niên, thậm chí cả BCTC năm của nhiều công ty không kèm phần thuyết minh, nhưng chưa thấy UBCK xử phạt.

Cụ thể, BCTC bán niên 2013 của một CTCK ghi nhận CTCK này có một khoản vay ngắn hạn 68 tỷ đồng (đầu năm là 209 tỷ đồng) từ “một ngân hàng thương mại trong nước” và một khoản vay dài hạn 500 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu cho “một ngân hàng thương mại trong nước”. NĐT muốn tìm hiểu thêm những khoản vay này có phải là giao dịch với bên liên quan là ngân hàng có cùng tên hay không, nhưng BCTC của ngân hàng lại không có thuyết minh.

Không chỉ thiếu phần thuyết minh, hiện có đến gần 20 ngân hàng không đăng BCTC bán niên 2013 trên website theo Luật Chứng khoán. Chẳng hạn, NĐT quan tâm đến thông tin hợp nhất giữa DaiABank và HDBank, nhưng không thể tìm thấy BCTC bán niên trên website của hai ngân hàng này để xem tình hình tài chính như thế nào. Tương tự, thông tin GP.Bank có thể bán 100% vốn cho đối tác Singapore đang thu hút sự chú ý của các NĐT, nhưng để tìm hiểu tình hình tài chính của ngân hàng này, NĐT chỉ tìm thấy BCTC năm 2010 trên website.

Ngoài ra, Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010 buộc công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Nhiều DN không thực hiện quy định này, nhưng hiện không bị xử phạt.

Đơn cử, DongA Bank đã hoàn tất đợt chào bán 50 triệu cổ phiếu tăng vốn từ 4.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng vào tháng 4/2012, trong bản cáo bạch, ngân hàng này cam kết “sẽ đưa cổ phiếu ngân hàng vào giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức” theo quy định của pháp luật. Đến nay đã hơn 1 năm, nhưng DongA Bank vẫn chưa lên sàn. Hiện ngân hàng này đang chào bán thêm 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng và cam kết cũ tiếp tục được đề cập trong bản cáo bạch mới.