Tại Việt Nam, gần đây vi phạm liên quan đến thao túng giá xảy ra nhiều, với mức độ tinh vi hơn

Tại Việt Nam, gần đây vi phạm liên quan đến thao túng giá xảy ra nhiều, với mức độ tinh vi hơn

UBCK sẽ phối hợp làm rõ hành vi thao túng TTCK

(ĐTCK-online) Dù Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung không trao thêm thẩm quyền điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nhưng Chủ tịch UBCK, ông Vũ Bằng khẳng định, cơ quan này sẽ phối hợp với cơ quan công an làm rõ các hành vi thao túng giá. Cũng theo Chủ tịch UBCK, Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua đã mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn cả trong ngắn hạn và dài hạn của TTCK Việt Nam.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tác động của Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung đến sự phát triển của thị trường?

Luật được ban hành với cái nhìn dài hạn. Những quy định mới sẽ giúp thị trường hoạt động công khai, minh bạch hơn, thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có tổ chức. Bên cạnh đó, công ty đại chúng phải công bố thông tin theo quy mô và mức độ đại chúng, mà không căn cứ vào việc đã niêm yết hay chưa. Luật cũng mở ra việc cho phép triển khai các sản phẩm, đưa thêm các loại chứng khoán mới giúp thị trường phát triển, đi kèm chế tài xử phạt nghiêm khắc. Mặt khác, TTCK Việt Nam sẽ hội nhập, liên kết với TTCK các nước với những quy định mới trong Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung này.

 

Một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận và thành viên thị trường ủng hộ là tăng thẩm quyền cho UBCK trong việc phát hiện các hành vi thao túng, làm giá chứng khoán. Vì sao lại không được đưa vào trong Luật?

Đúng là có những vụ việc, nếu không có nghiệp vụ điều tra sẽ không phát hiện và đi đến kết luận được sai phạm. Tại TTCK Mỹ, 70% hoạt động thanh tra của UBCK có kết quả dựa trên việc thẩm tra các dữ liệu thông qua nguồn ngân hàng, 50% có kết quả là dựa trên việc thẩm tra các cuộc gọi điện thoại và email. Có những vụ thao túng giá khi bị phát hiện đã bị xử phạt đến vài chục triệu USD.

Tại Việt Nam, gần đây vi phạm liên quan đến thao túng giá xảy ra nhiều, với mức độ tinh vi hơn. Trong khi đó, việc xử phạt theo Nghị định mới (NĐ 85/2010/NĐ-CP) cũng chưa đủ sức răn đe, khi mức phạt tối đa chỉ là 300 triệu đồng/trường hợp. Vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tăng thẩm quyền cho UBCK như: yêu cầu cung cấp nhân thân, email, sao kê điện thoại, truy xuất tài khoản ngân hàng…, để làm rõ những giao dịch có nghi vấn thao túng giá. Tuy nhiên, cuối cùng Quốc hội quyết định tạm thời chưa đưa vào Luật, mà cần thực tiễn kiểm nghiệm thêm. Bên cạnh đó, nếu bổ sung nghiệp vụ điều tra cho UBCK sẽ chưa được chặt chẽ so với một số luật khác.

 

Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng thao túng giá, thưa ông?

Mới đây, Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung quy định thao túng giá chứng khoán là một trong những hành vi bị khởi tố hình sự. Tôi cho rằng, đây là điểm rất quan trọng để ngăn ngừa, răn đe tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán bên cạnh hình thức phạt tiền, khắc phục hậu quả.

Do không có thẩm quyền điều tra, UBCK sẽ căn cứ vào Luật Hình sự, phối hợp với cơ quan công an để làm rõ các hành vi thao túng giá. Hiện tại, giữa UBCK và Bộ Công an đã có Thông tư liên tịch phối hợp điều tra, tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đầu. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp xử lý một số vụ trọng điểm, trên cơ sở đó, đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện thông tư trên nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai cơ quan. Về phía UBCK, chúng tôi sẽ sớm hoàn thiện Thông tư hướng dẫn cách tính các khoản thu lời bất chính. Tuy nhiên, Luật Hình sự cũng cần sớm có hướng dẫn thi hành để cơ quan thực thi có thể áp dụng.

Nghị định 85/2010/NĐ-CP cho phép xử phạt, tịch thu toàn bộ khoản thu lời bất chính. Luật Hình sự được hướng dẫn chi tiết và Bộ Tài chính ban hành Thông tư về xác định khoản thu lời bất chính sẽ góp phần hạn chế tình trạng thao túng giá trên thị trường.

 

Luật Chứng khoán sửa đổi có nhiều điểm giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành. Nhiều người lo lắng, không biết các cơ quan này sẽ hướng dẫn như thế nào, vì sao không được quy định cụ thể trong Luật?

TTCK Việt Nam còn khá mới mẻ, nhiều hoạt động mới phát sinh mà hiện tại, cơ quan quản lý chưa lường hết. Theo kinh nghiệm quốc tế, Luật Chứng khoán các nước mới nổi như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… đều giao cho cơ quan quản lý hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, trong quá trình thực thi Luật sẽ có những hành vi vi phạm mới xuất hiện trên TTCK. Nếu quy định "cứng" trong Luật những loại hành vi bị xử phạt thì khi xảy ra các vi phạm mới sẽ không xử lý được. Hoặc trong Luật có ghi Bộ Tài chính quy định về những sản phẩm mới nhằm tạo ra sự linh hoạt, thích ứng với thị trường. Việc Luật Chứng khoán bổ sung giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn tại một số nội dung, theo tôi là phù hợp.

 

Nhìn lại Luật Chứng khoán 2006, nhiều nội dung đến nay vẫn chưa được hướng dẫn thi hành. Liệu Luật sửa đổi có đi vào "vết xe" đó hay không?

Việc ban hành Luật sửa đổi lần này là để khắc phục những hạn chế trước đó. Theo quy định, sau 3 tháng Luật có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn, sau đó là Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn. UBCK sẽ tích cực soạn thảo các văn bản trình Bộ Tài chính và các ngành có liên quan ban hành, sớm đưa Luật vào cuộc sống.

7 điểm mới trong Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung

1.         Quy định chặt chẽ việc chào bán riêng lẻ.

2.         Mở rộng các loại chứng khoán (như chứng chỉ lưu ký toàn cầu); thu hẹp thị trường tự do (1 năm sau khi phát hành chứng khoán ra công chúng sẽ phải niêm yết).

3.         Hội nhập quốc tế như quy định phát hành và niêm yết tại nước ngoài và niêm yết tại Việt Nam của tổ chức phát hành nước ngoài, liên kết với các thị trường quốc tế.

4.         Sửa đổi quy định về chào mua công khai.

5.         Tăng cường nghiệp vụ kinh doanh của các CTCK (được quản lý danh mục đầu tư), công ty quản lý quỹ (được làm tư vấn).

6.         Công bố thông tin sẽ không căn cứ vào việc niêm yết hay chưa, mà phải theo quy mô vốn và mức độ đại chúng.

7.         Giao Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý những vi phạm mới phát sinh trên thị trường.