Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo cơ chế đặc thù phát triển cho Hà Nội (Ảnh minh hoạ)

Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo cơ chế đặc thù phát triển cho Hà Nội (Ảnh minh hoạ)

Ủng hộ Thủ đô có cơ chế đặc thù nhưng cần thận trọng, tránh xung đột với luật khác

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thiết phải có cơ chế đặc thù, đột phá để phát triển Thủ đô Hà Nội thành đô thị hiện đại; song cần rà soát kỹ lưỡng, thận trọng và đảm bảo không xung đột với quy định pháp luật khác.

Chiều 28/5, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Thiết kế nhiều chính sách đột phá, đặc thù cho Hà Nội

Một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật Thủ đô (sửa đổi) là tạo cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá. Về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị nghiên cứu bổ sung 01 khoản hoặc sửa đổi, bổ sung tại Điều 34 khái quát theo hướng: “Thủ đô Hà Nội được áp dụng các chính sách đặc thù về tài chính, đất đai và đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư công và tư nhân”.

Ủng hộ Hà Nội có cơ chế đặc thù, đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong dự thảo Luật Thủ đô nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội, đồng thời hoàn thiện các biện pháp đặc thù để Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá sau khi được chuyển giao về UBND TP.Hà Nội quản lý, tương xứng với vị trí, vai trò.

Đại biểu đoàn Hà Giang tán thành các quy định tại khoản 1 Điều 24 về phân quyền cho UBND TP. Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập phù hợp với năng lực, nhu cầu phát triển của Thủ đô.

Đại biểu cũng đồng tình cao với nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án, hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao, các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các khu công nghệ cao.

Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang)

Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang)

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị có chính sách đột phá so với pháp luật hiện hành trong phân quyền cho Hà Nội về điều chỉnh phân luồng môi trường. Cụ thể là sửa điểm 3, khoản 3 Điều 28 như sau theo hướng giao cho Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, xác định điều chỉnh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với từng phân luồng môi trường.

Về huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 5 Điều 34 thành "Ngân sách TP. Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại khoản 4 Điều này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường".

Đồng thời sửa đổi khoản 1 Điều 37 theo hướng tăng cường phân quyền cho Hà Nội trong việc phê duyệt các dự án trọng điểm về bảo vệ môi trường.

Cũng ủng hộ cơ chế này nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần rà soát chặt chẽ, thận trọng.

Về xây dựng, quản lý Thủ đô, đại biểu Hòa thống nhất với quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Tuy nhiên, với quy định viên chức làm của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập, ông Hòa đề nghị cân nhắc bởi Luật Công chức, Luật Viên chức không cho phép công chức, viên chức được thành lập, điều hành doanh nghiệp. Do đó, đối với Luật Thủ đô cần xác định rõ, phân công hợp lý.

Về mở rộng lĩnh vực HĐND TP. Hà Nội được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, áp dụng trên địa bàn Thành phố và về áp dụng biện pháp dừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng, ông Hòa đề nghị HĐND Thành phố xác định cụ thể trường hợp nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để áp dụng đúng và tránh trường hợp áp dụng tùy tiện.

Thống nhất áp dụng, tránh xung đột với các luật khác

Vì cơ chế đặc thù chắc chắn sẽ có những quy định khác với hệ thống pháp luật hiện hành, khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: “Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Bình luận về điều này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị làm rõ quy định về áp dụng Luật Thủ đô.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)

Đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo chưa đưa ra tiêu chí để xác định thế nào là “cần thiết” cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ tính hợp Hiến của việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng Luật, Nghị quyết của Quốc hội. Vì việc này không phải là giải thích luật hay giải thích nghị quyết và cũng không có trong Điều 74 của Hiến pháp 2013 về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng các điều khoản để tránh xung đột với các quy định hiện hành.

Cụ thể, đại biểu băn khoăn về Khoản 5, Điều 23 quy định HĐND TP. Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng về nội dung này để tránh xung đột với các quy định hiện hành. Đồng thời, rà soát quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong dự thảo Luật.

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tính khả thi và tính tương thích giữa Luật Thủ đô (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình)

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình)

Cụ thể, ông Hiếu đề nghị rà soát khoản 2 để đảm bảo tính tương thích với Luật Đất đai. Vì tinh thần của Luật Đất đai tiếp cận theo nguyên tắc, ngoài trường hợp đấu thầu thì sẽ thực hiện đấu giá, do đó, cần thể hiện rõ tinh thần này của Luật Đất đai vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Liên quan đến điểm c, khoản 2, Điều 24, hiện dự thảo đang sử dụng cụm từ “chuyển đổi mục tiêu”, đại biểu cho rằng như vậy chưa đủ rõ ràng và dễ gây tranh cãi, đề nghị sử dụng cụm từ khác thay thế là: “chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ mục tiêu dự án” để đảm bảo khả thi, rõ ràng và nhất quán thông tin.

Ở một góc tiếp cận khác, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nhận thấy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã tiếp thu rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường; tuy nhiên vẫn còn một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thực sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường Thủ đô.

Tại Điều 3 và Điều 28, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, quy định về vùng phát thải thấp và tiêu chuẩn môi trường không đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường, do đó, đề nghị trong trường hợp vẫn quy định như dự thảo Luật cần có báo cáo về cơ sở khoa học xác định thế nào là mức phát thải thấp để đảm bảo tính khả thi trong quy định này.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV vào tháng 11/2023 và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV vào ngày 27/6 tới.

Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ 07 nội dung cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 53 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 để các cơ quan có thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết.

Tin bài liên quan