Michael Cavanagh

Michael Cavanagh

Ứng viên số 1 cho chức CEO JPMorgan Chase ra đi,tại sao?

(ĐTCK) Ngày 25/3/2014, JPMorgan Chase, tập đoàn tài chính - ngân hàng hàng đầu của Mỹ đã chính thức thông báo, ông Michael Cavanagh, 48 tuổi, là đồng Giám đốc điều hành (CEO) Bộ phận ngân hàng đầu tư của Tập đoàn đã có đơn xin thôi việc, để chuyển sang làm cho Carlyle Group, một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới của Mỹ.

Chuyện nhảy việc là rất thường tình ở các doanh nghiệp Mỹ, song việc ông Michael Cavanagh đã được đưa vào diện quy hoạch, thay thế ông Jamie Dimon, 58 tuổi, CEO, kiêm Chủ tịch JPMorgan Chase, hay nói chính xác hơn là ứng viên số 1 cho chức CEO đột ngột ra đi đã khiến không ít người đặt ra câu hỏi tại sao? Bao năm phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp, gần đến ngày hái quả, thì ông lại đường đột bỏ đi. Lý do nào dẫn đến động thái bất thường này?

Trong đơn xin thôi việc, ông Michael Cavanagh không nêu ra bất cứ lý do nào, mà chỉ mong muốn… “thay đổi không khí và thử sức mình ở một môi trường khác”. Cần nói thêm ở đây rằng, sau khi rời khỏi JPMorgan Chase, ông sẽ đảm nhiệm trọng trách là đồng chủ tịch và nhà quản lý cấp cao (COO) của Carlyle.

“Tôi đã cân nhắc kỹ trước khi đi đến quyết định hết sức khó khăn này. Song đây là thời điểm mà tôi phải lựa chọn để phát triển sự nghiệp của mình theo một hướng khác”, Michael Cavanagh phát biểu với báo giới.

Ông Jamie Dimon đã tỏ ra rất tiếc khi mất một trong những cộng sự, chiến hữu trung thành nhất của mình. “Đây là sự mất mát rất đáng tiếc của công ty chúng ta, khi ông Michael Cavanagh là một trong những nhà quản lý tài ba, đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận. Tất nhiên, chúng tôi rất mong ông Michael Cavanagh ở lại, song dẫu sao vẫn tôn trọng quyết định của cá nhân ông. Chúc  ông sẽ gặt hái nhiều thành công mới tại Carlyle”, ông Jamie Dimon nói.

Quả thực, ở JPMorgan Chase, ông Michael Cavanagh được coi như cánh tay phải của CEO, được mệnh danh là “người chữa cháy” (nguyên văn tiếng Anh là Mr. Fix - it) do có công xử lý nhiều vụ bê bối, scandal, với kết quả khá êm thấm. Việc JPMorgan Chase vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra từ cuối năm 2008 cũng có phần đóng góp trực tiếp của ông. Gần đây nhất, vào năm 2012, ông đã trực tiếp tham gia xử lý vụ bê bối tài chính có tên là “Cá voi trắng London” (London whale) liên quan đến việc bán chứng khoán được bảo lãnh bằng bất động sản dưới chuẩn, tất nhiên với giá phải trả không nhỏ (hơn 7 tỷ USD, gồm cả tiền phạt, đền bù…).

Năm 1993, đích thân Jamie Dimon đã phỏng vấn và nhận ông vào làm việc. Đến khi Jamie Dimon bị thất sủng, ông vẫn đi theo cùng làm việc ở Bank One Corp., sau đó lại cùng về JPMorgan Chase. Chính vì lòng trung thành của ông, mà Jamie Dimon đã chấm ông là người thay thế mình, sau khi rời chức CEO. Ông Jamie Dimon đã làm CEO hơn 10 năm nay, nên có lẽ cũng không tại vị lâu nữa. Vậy tại sao ông Michael Cavanagh không kiên nhẫn chờ?

Song nói đi thì phải nói lại, đã đến lúc JP Morgan Chase cũng cần xem xét lại chính sách sử dụng nguồn nhân lực cao cấp của mình. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ từ năm 2012 đến nay, đã có 9 nhà quản lý cao cấp vào hàng cốt cán lần lượt bỏ Tập đoàn ra đi. 

Đó đều là những nhân vật có tên tuổi trong làng quản lý tài chính Mỹ, như Charlie Scharf, Heidi Miller, Jes Staley, Ina Drew… Sau khi rời JP Morgan Chase, một số người rất thành đạt trên cương vị mới. Chẳng hạn như Charlie Scharf, hiện là CEO của Visa; hay Frank Bisignano đang là CEO của Công ty First Data…

Ở đây, có một khía cạnh khá tế nhị mà nhiều nhà phân tích không muốn hoặc tránh đề cập trực tiếp. Đó là chuyện lương, thưởng.

Carlyle được đánh giá là một tổ chức “lobby” siêu hạng, có trụ sở chính đặt tại Washington, D.C (thủ đô Mỹ). Xét về quy mô, Carlyle không thể bì lại được với JP Morgan Chase. Tính đến hết năm 2013, JPMorgan Chase quản lý tổng tài sản trị giá lên tới 2.400 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với con số 189 tỷ USD của Carlyle. Thế nhưng, nếu xét về việc trả lương, thưởng cho lãnh đạo, thì Carlyle “ăn đứt” JPMorgan Chase. Cụ thể, trong khi tổng cộng lương, thưởng, cổ tức… năm 2013 của ba vị sáng lập Carlyle là David Rubenstein, William Conway và Daniel D’Aniello “rất khủng”, lên tới 750 triệu USD, thì con số này của Jamie Dimon lại “khá hẻo, chỉ là” 20 triệu USD và của ông Michael Cavanagh “chỉ vẻn vẹn” 17 triệu USD. Rất có thể, ông Michael Cavanagh đầu quân cho Carlyle, vì được trả lương rất hậu, cao gấp nhiều so với ở JPMorgan Chase. Chuyện này thì cũng chỉ là “đoán già, đoán non” mà thôi, không ai nói ra cả.

Trong một diễn biến khác, ông Fang Fang, CEO mảng ngân hàng đầu tư của JPMorgan Chase tại Trung Quốc cũng vừa đệ đơn từ chức vào cuối tuần qua, sau khi đơn vị này bị điều tra, vì tuyển dụng nhiều con cháu các quan chức cao cấp của nước này.          

Tin bài liên quan