Dưới sức ép tăng giá của USD, Ngân hàng Nhà nước có 2 cách để ổn định tỷ giá: một là, bơm USD ra thị trường; hai là, hút bớt tiền đồng về.

Dưới sức ép tăng giá của USD, Ngân hàng Nhà nước có 2 cách để ổn định tỷ giá: một là, bơm USD ra thị trường; hai là, hút bớt tiền đồng về.

Ứng xử với tỷ giá “nhảy múa”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện nay, mục tiêu số 1 của Ngân hàng Nhà nước là ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát, nên cơ quan này chưa nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng và tiếp tục hút bớt tiền đồng trên thị trường mở.

Tỷ giá tiếp tục biến động

Ông Linh Phan, Founder Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam.
Ông Linh Phan, Founder Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất giúp USD trở nên mạnh hơn. Nếu Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ (nâng lãi suất theo lộ trình để kiềm chế lạm phát), USD sẽ có xu hướng bị hút trở lại Mỹ.

Thực tế, USD là một đồng tiền chiếm tới hơn 40% thương mại toàn cầu nên khả năng cao sẽ gây thiếu hụt USD cho nền kinh tế và gây áp lực lên tỷ giá của các quốc gia. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng trong thời gian qua.

Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước có đủ năng lực để duy trì tỷ giá một cách ổn định hay không khi USD liên tục mạnh lên?

Nếu để xảy ra tình trạng VND mất giá mạnh so với USD, các dòng vốn ngoại như FDI và FII nhiều khả năng sẽ có động thái rút khỏi Việt Nam.

Giống như giai đoạn 2008 - 2012, VND mất giá đến 30% khiến các quỹ ngoại không mặn mà và thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn đó chủ yếu có diễn biến “lình xình” theo hướng giảm (sideway down) trong vùng 430 - 530 điểm.

Do vậy, tỷ giá tăng mạnh luôn là “kẻ thù” của thị trường chứng khoán và chúng ta cần hiểu cơ chế điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cũng như nguồn lực của cơ quan này có đủ để điều tiết tỷ giá hay không?

Ngân hàng Nhà nước làm gì để ổn định tỷ giá?

Dưới sức ép tăng giá của USD (thiếu USD), Ngân hàng Nhà nước có 2 cách để ổn định tỷ giá.

Một là, bơm USD ra thị trường. Để bơm USD ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng kho “lương khô” là dự trữ ngoại hối để giải “cơn khát” thiếu USD. Điều đáng mừng là trong 3 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nâng dự trữ ngoại hối lên 110 tỷ USD (tương đương 17 tuần nhập khẩu), mức cao kỷ lục. Đầu tháng 6/2022, cơ quan này đã bán ra 7 tỷ USD nhằm điều tiết tỷ giá.

Lượng dự trữ ngoại hối đang có xu hướng giảm, bởi Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục bán ra USD để giải toả sức ép tỷ giá, trong khi nguồn thu từ USD dự kiến ít hơn do các tổ chức thường hạn chế đầu tư sang các nước thứ ba, mà họ thiên về việc mua trái phiếu để phòng thủ khi Fed hút tiền về.

Hai là, hút bớt tiền đồng về. Ngân hàng Nhà nước có thể hút VND về thông qua nghiệp vụ thị trường mở, hoặc nâng lãi suất tiền đồng lên.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, cụ thể kích hoạt lại kênh tín phiếu sau 2 năm tạm dừng, để hút bớt VND trong lưu thông về.

Kênh lãi suất đang có xu hướng tăng nhẹ, nhưng theo góc nhìn của tôi, Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên sử dụng kênh nghiệp vụ thị trường mở nhiều hơn.

Mục tiêu số 1 của Ngân hàng Nhà nước đang là ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát nên việc không nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng và tiếp tục hút bớt tiền đồng trên thị trường mở là bình thường.

Nhà đầu tư không nên lo lắng khi thấy Ngân hàng Nhà nước hút tiền qua kênh tín phiếu. Theo quan sát của cá nhân tôi, Ngân hàng Nhà nước đang điều tiết rất tốt, bằng chứng là tỷ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 3% so với đầu năm nay, trong khi đồng tiền của nhiều quốc gia trượt 5% trở lên như Indonesia trượt 6%, Malaysia trượt 5%, Lào trượt 30%, EU trượt 12%, Nhật Bản trượt 20%...

Dư địa chính sách của Việt Nam vẫn còn khi mà dự trữ ngoại hối tương đối dồi dào, mặt bằng lãi suất ở mức thấp và có thể tăng để điều tiết tiếp tỷ giá.

VND mất giá ít so với USD và đang trở nên “khỏe” hơn so với nhiều đồng tiền khác, nhất là Yên Nhật, Euro, Bảng Anh.

Thậm chí, nếu nhìn về mặt tích cực, VND đang trở nên “khoẻ” hơn so với nhiều đồng tiền trong khu vực cũng như trên thế giới.

Chỉ cần chính sách của Fed bình ổn trở lại, rất có thể dòng vốn từ các quốc gia khác sẽ chảy vào Việt Nam - một quốc gia ổn định về chính trị và có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao.

Nếu Việt Nam không giữ được tỷ giá ổn định, tôi tin rằng, các quốc gia khác trong khu vực càng khó làm được việc này. Cuộc chiến kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá chưa có hồi kết khiến thị trường chứng khoán khó có thể tăng điểm mạnh trở lại. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng vào sự ổn định trong chính sách của Việt Nam hiện nay. Khi Fed ngừng tăng lãi suất, “hoa” sẽ lại nở trên thị trường chứng khoán.

Tỷ giá tăng nhìn ở góc độ đầu tư

Trong giai đoạn ngắn hạn, VND đang có xu hướng mất giá so với USD, nhưng giá trị lại mạnh hơn tương đối so với nhiều đồng tiền khác như Euro, Yên Nhật…

Theo đó, những doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng USD như Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn, Vietnam Airlines, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP... sẽ bị ảnh hưởng do lỗ chênh lệch tỷ giá.

Ngược lại, những doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng Euro hay Yên Nhật rất có thể sẽ ghi nhận lợi nhuận tài chính ở mức cao do chênh lệch đánh giá lại tỷ giá.

Trong quý I/2022, một doanh nghiệp có dư nợ lớn bằng Yên Nhật là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP đạt doanh thu tài chính 663 tỷ đồng, trong đó có 269 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá.

Đối với những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu là EU hay Nhật Bản, họ đang gặp bất lợi do Euro và Yên Nhật mất giá mạnh (nếu doanh nghiệp nhập khẩu từ hai thị trường này sẽ được hưởng lợi).

Một số doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có thị trường xuất khẩu lớn ở EU, hay Công ty cổ phần FPT có thị trường lớn ở EU và Nhật Bản có thể sẽ chịu tác động tiêu cực. Tỷ giá biến động ít thì không sao, nhưng mỗi khi biến động mạnh, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến những doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ khiến tỷ giá USD/VND chịu áp lực tăng. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước đang điều tiết tỷ giá khá tốt và dư địa chính sách của Việt Nam vẫn còn, VND “khỏe” hơn nhiều đồng tiền khác. Vì thế, tỷ giá tăng chỉ tác động một phần nào đó đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tin bài liên quan