Giao dịch tại sàn UPCoM sau 4 phiên vẫn khá trầm lắng.

Giao dịch tại sàn UPCoM sau 4 phiên vẫn khá trầm lắng.

UPCoM chưa sôi động, vì đâu?

(ĐTCK) Sau hai ngày Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức khai trương thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) với 10 cổ phiếu đăng ký giao dịch đầu tiên trên thị trường, chỉ số mới UPCoM-Index cũng nếm mùi giảm điểm cả hai phiên. Đặc biệt, giao dịch trên thị trường này khá trầm lắng.

Cụ thể, không tính ngày giao dịch đầu tiên (24/6) để lấy chỉ số gốc; tính tới lúc đóng cửa giao dịch ngày 25/6, UPCoM-Index giảm 6,29 điểm, tương đương 6,29%, xuống mức 93,71 điểm. Cả phiên chỉ có tổng cộng 380.277 cổ phiếu được giao dịch với giá trị giao dịch đạt hơn 6,2 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch 26/6, chỉ số UPCoM-Index tiếp tục giảm 5,82 điểm, tương đương giảm 6,21%, xuống còn 87,89 điểm. Giao dịch trên sàn này tiếp tục giảm xuống. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt 296.216 cổ phiếu với giá trị 4,955 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thoả thuận điện tử đạt 296.216 cổ phiếu với giá trị là 4,588 tỷ đồng. Cũng giống như hai phiên đầu tiên kể từ hôm mở màn 24/6, hầu như chỉ có nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán là giao dịch đáng kể, còn lại chỉ giao dịch tượng trưng hoặc không có giao dịch.

Sự kém hứng khởi trên sàn mới này đặt ra nhiều vấn đề về tính hấp dẫn của UPCoM đối với nhà đầu tư và gây ra những tốn kém về thời gian và chi phí cho các thành viên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán; trong đó điều đầu tiên phải kể đến là phương thức khớp lệnh tại sàn UPCoM.

Theo quy định của Quy chế quản lý thị trường đăng ký giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội do Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội) ban hành kèm theo Quyết định số 159/QĐ-TTGDHN ngày 27/4/2009 thì phương thức giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết được đăng ký giao dịch chỉ có một phương thức duy nhất là giao dịch thỏa thuận (điều 13, quy chế trên), có thể bao gồm một trong hai hình thức là thỏa thuận điện tử hoặc thỏa thuận thông thường. Cả trong hai hình thức thỏa thuận, công ty chứng khoán (thông qua các đại diện giao dịch của mình) đều phải tự tìm đối tác có lệnh đối ứng thích hợp, xác nhận giao dịch, nhập kết quả vào hệ thống. Qua những ngày đầu giao dịch, các công ty đã phản ánh ngay nghịch lý, khi lệnh hiển thị trên hệ thống đã hoàn toàn phù hợp về mức giá, khối lượng nhưng vẫn phải chờ xác nhận một cách thủ công.

Cũng do khớp lệnh thủ công như trên, nên có trường hợp lệnh bán 5.000 cổ phiếu A không thể khớp với lệnh mua 10.000 cổ phiếu A với cùng mức giá, bởi vì khối lượng cổ phiếu mua - bán không phù hợp. Để giải quyết vấn đề này, công ty chứng khoán của bên mua phải xin ý kiến của khách hàng có chứng khoán bán đồng ý cho phép khớp một phần lệnh. Cũng vì là khớp lệnh thủ công và hệ thống của HNX làm nhiệm vụ đưa thông tin kết quả giao dịch nên các công ty chứng khoán phải có thêm thỏa thuận với nhau về việc trao đổi, xác nhận giao dịch để làm cơ sở thực hiện.

Vẫn biết rằng, thị trường đăng ký giao dịch là thị trường dựa trên nguyên tắc thỏa thuận, nhưng quy định khớp lệnh thủ công như hiện tại làm mất thời gian của các đại diện giao dịch, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến sự sôi động của thị trường. Ngoài ra, cách thức khớp lệnh thủ công cũng làm lãng phí tài nguyên của hệ thống giao dịch, khi hệ thống chỉ làm một nhiệm vụ là truyền tải thông tin lên bảng điện và làm động tác tính toán, xác nhận kết quả giao dịch cuối cùng. Cách thức khớp lệnh như trên nếu kéo dài có thể sẽ làm các công ty chứng khoán bớt hào hứng với thị trường UPCoM. Rõ ràng, với cùng mức phí giao dịch thu được từ khách hàng thì khi thực giao dịch chứng khoán niêm yết, các công ty chứng khoán sẽ tốn ít thời gian của đại diện giao dịch hơn do không phải tự tìm kiếm, xác nhận khớp lệnh với nhau (đồng nghĩa với việc số lượng giao dịch thực hiện được trong cùng một khoảng thời gian sẽ nhiều hơn, công ty sẽ thu được nhiều phí hơn), tiết kiệm chi phí cho việc gọi điện, fax, email…, xác nhận giao dịch trước khi đưa vào hệ thống thanh toán.

Minh bạch, công khai, dễ mua, dễ bán nhưng vẫn giữ được tính linh hoạt, hấp dẫn là yêu cầu chính đáng của cộng đồng nhà đầu tư đối với thị trường UPCoM. Một lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vừa khẳng định, tới đây sàn UPCoM sẽ được điều chỉnh nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp lên sàn và nhà đầu tư tham gia. Để tăng tính thanh khoản cho UPCoM, sẽ cho phép NĐT cùng mua, cùng bán trong phiên, giao dịch ký quỹ, repo cổ phiếu… Tuy nhiên, khi những nghiệp vụ trên cần lộ trình nghiên cứu, thử nghiệm để áp dụng chính thức thì phương thức khớp lệnh của thị trường UPCoM - một vấn đề có thể sửa đổi ngay, cần được thay đổi để đẩy nhanh tiến trình khớp lệnh và tiết kiệm thời gian, nguồn lực của HNX, các công ty chứng khoán và bớt phiền hà cho nhà đầu tư.

Nên chăng Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HNX sửa đổi quy định để cho phép hệ thống tự động khớp các lệnh trên sàn UPCoM, như cách thức đang áp dụng với cổ phiếu niêm yết tại HNX hiện nay?