Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ dao động trong biên độ hẹp

Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ dao động trong biên độ hẹp

Vẫn còn dư địa để giữ tỷ giá bình ổn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, sự ổn định của VND trong bối cảnh vừa qua là thành quả của sự cải thiện các yếu tố vĩ mô nội tại cũng như chính sách điều hành hiệu quả.

Fed tăng lãi suất đã khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND, nhưng thực tế trên thị trường cho thấy, tỷ giá VND/USD cơ bản vẫn ổn định. Theo bà, diễn biến này cho thấy điều gì?

Trong tháng 3 và tháng 5 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có động thái liên tục tăng lãi suất điều hành nhằm kiềm chế lạm phát cao kỷ lục đang diễn ra. Dưới tác động của việc tăng lãi suất, USD Index (chỉ số đo sức mạnh của đồng USD so với rổ tiền tệ) liên tục tăng mạnh, có lúc đạt mức 105 điểm trong tháng 5, đây là mức cao nhất trong 20 năm qua. USD mạnh lên đã kéo tỷ giá USD/VND tăng hơn 1% so với đầu năm.

Tuy nhiên, nếu so với các đồng tiền khác thì VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi cho rằng, sự ổn định của tỷ giá đạt được trong thời gian qua là do nhiều nguyên nhân.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect

Thứ nhất, đây là thành quả của những nỗ lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước theo đuổi chính sách tỷ giá trung tâm, gắn giá trị đồng Việt Nam với diễn biến của một rổ tiền tệ từ năm 2016. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ như cung tiền, lãi suất liên ngân hàng để hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Thứ hai, các yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư thương mại, dự trữ ngoại hối cao và lượng kiều hối vẫn tiếp tục tăng.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, thặng dư thương mại ghi nhận ở mức 2,5 tỷ USD, cao hơn mức 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên mức cao kỷ lục 110 tỷ USD vào tháng 3 năm nay, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.

Chúng tôi cũng kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm 2022 (tương đương 4 tháng nhập khẩu).

Bên cạnh đó, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 vẫn tăng 10% so với năm trước đó, ước đạt 12,5 tỷ USD. Vì vậy, có thể nói, sự ổn định của VND trong bối cảnh vừa qua là thành quả của sự cải thiện các yếu tố vĩ mô nội tại cũng như chính sách điều hành hiệu quả.

Một trong những giải pháp khi có biến động trên thị trường ngoại tệ là sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp, bà có cho rằng, về lâu dài “cây đũa thần” này không thể áp dụng được nữa?

Tôi cho rằng các hoạt động mua bán ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước là một trong những công cụ tiền tệ nhằm phục vụ cho mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán can thiệp ngoại tệ khi tâm lý thị trường diễn biến bất lợi, mua ngoại tệ khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, ngay cả khi thị trường quốc tế biến động mạnh, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ.

Trong năm 2021, với nhiều nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho thấy Việt Nam thao túng tiền tệ. Điều này cho thấy các hoạt động can thiệp thị trường ngoại hối của chúng ta là phù hợp và hiệu quả.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, với mức biến động của tỷ giá trong vòng từ 2 - 2,5%, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần phải can thiệp bằng dự trữ ngoại hối. Còn nếu trường hợp tỷ giá biến động cao hơn, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước cũng không nhất thiết là phải dùng đến dự trữ ngoại hối, mà còn kết hợp rất nhiều công cụ của chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ thị trường mở, thị trường liên ngân hàng để điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền đồng…

Trên thị trường chứng khoán, đã có tình trạng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong rổ VN30. Theo bà, liệu dòng vốn ngoại có rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới và điều này nếu diễn ra sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường ngoại hối?

Những diễn biến trên thị trường chứng khoán thời gian vừa qua đã chứng minh điều ngược lại. Nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu quay trở lại mua ròng nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có cả nhóm VN30.

Tôi cho rằng điều này phản ánh sự lạc quan của nhà đầu tư nước ngoài trước các động thái mang tính chất thanh lọc thị trường của cơ quan quản lý. Những vụ việc hình sự, thanh tra gần đây là nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tăng cường độ minh bạch của thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Điều này rất quan trọng khi chúng ta sắp sửa gia nhập vào sân chơi lớn hơn, là nhóm các thị trường mới nổi theo phân loại của MSCI. Bên cạnh đó, sau những đợt giảm điểm đáng kể thì định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung đang ở hấp dẫn khi so sánh tương quan về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp đang niêm yết.

Mặt khác, việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FII) có sụt giảm thì tác động đến tỷ giá là không đáng kể. Có thể dẫn chứng đến việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021, với tổng giá trị bán ròng là 2,7 tỷ USD, song tỷ giá USD/VND vẫn giữ mức ổn định, thậm chí là đồng nội tệ còn mạnh hơn trong năm 2021.

Thị trường ngoại hối được dự báo sẽ ổn định trong năm 2022, tuy nhiên, sẽ không thể loại trừ nguy cơ rủi ro. Bà có thể chỉ rõ các thách thức này?

Nhìn về những tháng cuối năm 2022, tôi cho rằng vẫn còn những thách thức cho chính sách điều hành tỷ giá.

Thứ nhất, áp lực lạm phát vẫn đang thách thức đà tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như Việt Nam và việc Fed tiếp tục tăng lãi suất là xu hướng khó đảo ngược. Các quan chức Fed cũng gợi ý rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong năm nay với nỗ lực kiềm chế lạm phát. Theo khảo sát của CME Group, thị trường cho rằng Fed có thể nâng lãi suất điều hành thêm 175 - 200 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2022 lên 2,5 - 3,0%/năm.

Thứ hai, những căng thẳng địa chính trị vẫn còn đang hiện hữu và dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Xung đột giữa Nga - Ukraina và các biện pháp trừng phạt thương mại giữa các nước đã gây chao đảo thị trường tiền tệ thế giới trong thời gian vừa qua. Đây là những thử thách khó đoán định nhất.

Thứ ba, xu hướng lãi suất VND đang nhích dần lên. Lãi suất huy động (bằng VND) chịu áp lực tăng trong những tháng đầu năm. Tính đến ngày 26/4/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 14 điểm cơ bản và 13 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021.

Tôi cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không lớn, khoảng 30 - 50 điểm cơ bản cho cả năm 2022 và lãi suất nhìn chung vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch.

Theo bà, NHNN cần làm gì để bảo vệ được những thành quả trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới?

Tôi cho rằng NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ mềm dẻo ít nhất trong 3 - 6 tháng tới để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ năm trước, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4%. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch. Cuối cùng là NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Theo ước tính của chúng tôi, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ tăng lên 2,0% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt 1,1% GDP vào năm 2021 và dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm 2022 (tương đương với 4,0 tháng nhập khẩu) từ mức cuối năm 2021 là 105 tỷ USD. Do đó, VND có thể dao động trong biên độ hẹp so với USD và tỷ giá USD/VND (liên ngân hàng) ổn định trong khoảng 22.600 - 23.050 đồng/USD vào năm 2022.

Tin bài liên quan