Văn hóa nơi công cộng

Văn hóa nơi công cộng

(ĐTCK) Mấy năm nay rộ lên phong trào “khỏa thân bảo vệ môi trường”, với một loạt nhân vật từ nổi tiếng lẫn vô danh. Mới đây là một “hot blogger” cùng một số người bạn khỏa thân, đi xe phân khối lớn lên khu vực khách sạn Panorama (đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang).

Tất nhiên, chỉ khỏa thân với nhau thì không phải mục đích của họ, bởi cái họ cần là càng nhiều người biết càng tốt. Bởi vậy mới có ngay clip do chính họ tung lên mạng, trong đó giải thích việc làm của họ cũng là để “bảo vệ môi trường”. Mặc dù nhóm người này có vẻ đang giễu nhại một số người “khỏa thân bảo vệ môi trường” trước đó (hầu như là nữ, và chủ yếu trong giới người mẫu, hoa khôi), nhưng những hình ảnh của họ cũng chẳng hề “đẹp” hơn, nó chỉ thể hiện sự ngông cuồng. Và các cô chân dài “cởi” để bảo vệ môi trường cùng những anh giễu nhại các cô, họ đều giống nhau ở một điểm là sẵn sàng đạp lên dư luận xã hội để nổi tiếng.

Trên thế giới, chỉ có hai kiểu nổi tiếng. Loại thứ nhất là nổi tiếng vì tài năng thiên phú. Đó có thể là ca sỹ, diễn viên, nhà thể thao, nhà khoa học, nhà kinh doanh… nổi tiếng vì tài năng của họ trong một số lĩnh vực nhất định nào đó. Celine Dion nổi tiếng vì có giọng hát trong vắt, cao vút. Tom Hank nổi tiếng vì khả năng diễn xuất tinh tế, đa dạng, Tiger Woood là tay chơi golf lừng danh khắp thế giới, còn tỷ phú Bill Gates nổi tiếng vì tài kinh doanh, vì sự giàu có mà công việc kinh doanh của ông mang lại…

Loại nổi tiếng thứ hai cũng nổi tiếng, nhưng gần với tai tiếng hơn. Bởi không có thực tài nhưng vẫn muốn được nhiều người biết đến, họ phải dùng đến các chiêu thức không lấy gì làm hay ho miễn là đạt mục đích. Hiện tượng này hầu như có ở khắp mọi nơi. Một phụ nữ ở bang New Jersey (Mỹ) muốn trở thành người phụ nữ béo nhất hành tinh. Theo một bản tin của hãng thông tấn ABC, bà này đã lên kế hoạch tăng gấp đôi trọng lượng trong vòng hai năm. Tháng 1/2010, bà này bị tống vào tù vì hành vi độc ác: vì muốn nổi tiếng là người phụ nữ có đứa con bệnh tật nhất thế giới, bà này xích đứa con trai mình vào xe đẩy và cho cậu bé ăn thông qua một cái ống thông vào dạ dày cậu bé, trong khi cậu thực ra hoàn toàn bình thường.

Đối với một số người, ham muốn được nổi tiếng lắm vượt quá tầm kiểm soát thông thường. Sự ham muốn nổi tiếng này dần trở thành một phong cách sống. Người ta vay tiền để mua các loại xe do các ngôi sao sử dụng lấy le, mua những chiếc kính mắt hiệu Chanel mà người bình thường khó có thể chịu đựng vì những cái giá chát chúa của chúng. Các hãng này, ngược lại, đánh trúng tâm lý ham sự hào nhoáng, sự nổi tiếng giả hiệu của một nhóm người trong xã hội, đẩy giá sản phẩm lên cao ngất ngưởng. Và rồi lại nảy sinh những hãng chuyên làm nhái “đồ hiệu” phục vụ những con chiên của “thế giới phù hoa” nhưng không đủ tiền chơi đồ hiệu thật.

Nhưng vì sao người ta thích nổi tiếng và có những người muốn nổi tiếng bằng mọi giá? Có lẽ mỗi người có cách nhìn nhận về sự nổi tiếng khác nhau, động cơ mục đích để nổi tiếng cũng không hoàn toàn giống nhau. Nhưng điều dễ nhận thấy và có mẫu số chung ở các quốc gia, là nổi tiếng, cho dù theo cách nào, cũng thường mang đến lợi ích vật chất. Và trong xã hội của truyền thông mạng, của mạng xã hội, của thế giới ảo, điều này lại càng rõ nét. Sự nổi tiếng kiểu tai tiếng thường sống dựa vào tính hiếu kỳ của người đời.

Ở Mỹ có câu chuyện vợ chồng John Wayne Bobbitt. Sau một thời gian bị chồng hành hạ thân xác, hãm hiếp, đánh đập, vào một đêm, cô vợ Lorena đã dùng dao cắt của quý của chồng khi John đang ngủ. Vụ việc ầm ĩ một thời gian dài trên các tờ báo của Mỹ. John Bobbitt bỗng nhiên nổi tiếng, đến mức được mời đóng phim người lớn, sau khi của quý được nối lại. Nhiều người lúc đó tò mò xem anh ta “ra sao” sau khi dương vật bị vợ ném ngoài xa lộ và cảnh sát phải rất vất vả mới tìm lại được.

Sự nổi tiếng, hay tai tiếng, vì thế luôn hấp dẫn bởi đi kèm với nó là tiền bạc, là các hợp đồng quảng cáo, là sàn diễn showbiz. Ở  nước ta, thời gian gần đây có những người “bỗng dưng nổi tiếng”, ví dụ “ca sỹ” Lệ Rơi, cho dù giọng hát của anh này là một thảm họa. Nhưng dù nổi tiếng hay tai tiếng, sự phổ biến của anh chàng ở trên mạng bỗng nhiên biến anh ta thành công cụ kiếm tiền của một số người. Và anh chàng trồng ổi ở Hải Dương với chất giọng lẫn lộn “l” và “n” tham gia showbiz, cho đến khi sự hiếu kỳ của công chúng đối với anh ta bốc hơi, và Lệ Rơi trở về với vườn ổi xưa.

Nhưng cần phải nói rõ rằng, khỏa thân vì môi trường như các cô người mẫu hay hoa hậu được “sinh sản vô tính” từ hàng trăm cuộc thi lớn nho, hay của anh chàng “hot blogger” và nhóm bạn của anh ta, tất cả cũng đều là chiêu trò đánh bóng tên tuổi không hơn không kém. Và phải gọi hành vi này là “cởi truồng gây hại môi trường”, vì nó không hề giúp môi trường tự nhiên của chúng ta tốt lên, mà ngược lại, môi trường văn hóa thì thêm hoen ố.

Thân thể là của mỗi người, là thứ cha mẹ ban cho. Không người nào có quyền xâm hại thân thể của người khác. Đó là điều tất nhiên, được hiến định trong hệ thống luật pháp của hầu như mọi quốc gia. Nhưng mang thân thể trần trụi đó ra làm công cụ đạt được sự nổi tiếng hay tai tiếng, bất chấp tình cảm, ý thức của cộng đồng, bất chấp đó là hành vi phản văn hóa, đi ngược thuần phong mỹ tục, là điều không thể chấp nhận được, nếu người đó có đầy đủ năng lực hành vi và nhận thức.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan