VCB sẽ cổ phần hoá theo cách mới

VCB sẽ cổ phần hoá theo cách mới

(ĐTCK-online) Nếu như Tập đoàn Bảo Việt chọn cách cổ phần hoá (CPH) theo hướng bán đấu giá cổ phần ra công chúng trước, sau đó mới bán cổ phần cho cổ đông chiến lược (và thực tế cho kết quả không thật thành công) thì Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) sẽ tiến hành CPH theo hướng ngược lại.

Lãnh đạo VCB cho biết, Chính phủ vừa phê duyệt phương án CPH VCB và thông qua nhiều đề nghị lớn, trong đó có việc cho phép VCB bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước, sau đó mới bán đấu giá ra công chúng. Dự kiến tháng 10/2007, VCB sẽ hoàn tất việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và sau đó có thể tiến hành bán cổ phần ra công chúng.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc đối tác chiến lược sẽ mua tại giá nào (theo thông lệ, giá bán cho đối tác chiến lược sẽ phụ thuộc vào giá bán đấu giá ra công chúng), VCB cho biết, Chính phủ sẽ quyết định giá bán trên cơ sở kiến nghị của VCB. Quy trình này cũng phù hợp với pháp luật hiện hành, vì trong Nghị định 109/2007/NĐ-CP về CPH có quy định, Chính phủ sẽ quyết định giá bán cho nhà đầu tư chiến lược trong trường hợp việc chọn loại cổ đông này độc lập với việc phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Điểm kiến nghị thứ hai được Chính phủ chấp thuận là VCB được sử dụng tư vấn và kiểm toán quốc tế để xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp quốc tế. Với sự chấp thuận này, VCB sẽ đỡ rất nhiều thời gian, vì không phải làm thủ tục kiểm kê, đánh giá lại tài sản như cách xác định giá trị DN CPH thông thường. Ngoài ra, việc xác định giá trị DN theo phương pháp quốc tế cũng giúp VCB tránh được việc hạch toán lại giá trị sổ sách khi xác định giá trị doanh nghiệp. Khi CPH, Tập đoàn Bảo Việt đã từng phải hạch toán lại giá trị sổ sách sau khi xác định lại giá trị doanh nghiệp (hạch toán tăng từ 1.895 tỷ đồng lên 4.443 tỷ đồng) khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy không hợp lý và đã đánh giá không cao giá trị cổ phiếu của Bảo Việt.

Kiến nghị thứ ba được Chính phủ chấp thuận là cho phép VCB áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp tốt nhất có thể theo thông lệ quốc tế. Đây là điều VCB và các tổ chức đầu tư muốn làm cổ đông chiến lược của Ngân hàng lo ngại nhất thời gian qua, vì hiện nay, VCB là ngân hàng quốc doanh chịu sự điều tiết của Nghị định 49/CP; sau CPH, Nhà nước nắm tới 70% vốn tại VCB, nên Nghị định 49 vẫn điều chỉnh hoạt động của Ngân hàng. Việc VCB được áp dụng thông lệ quản trị tốt nhất sẽ giúp Ngân hàng giảm bớt những ràng buộc về chính sách trong điều hành hoạt động. Chính phủ cũng đã đồng ý rằng, trong trường hợp Nghị định 49/CP có những điểm trái với Quyết định 12/2007/QĐ-BTC và Quyết định 15/2007/QĐ-BTC (về thực hiện điều lệ mẫu và thông lệ quản trị DN niêm yết) hoặc trái với những quy định về TTCK tại Hồng Kông, Singapore thì VCB được thực hiện các quy định chuyên ngành chứng khoán.

Cũng theo đại diện VCB, đề xuất của Ngân hàng về việc phát triển theo mô hình tập đoàn đã được Chính phủ chấp thuận. Theo đó, VCB sẽ đa dạng hoá lĩnh vực đầu tư và linh hoạt trong việc ra quyết định đầu tư. VCB dự kiến sẽ thành lập quỹ đầu tư hạ tầng cơ sở và Chính phủ có thể thực hiện tái đầu tư qua quỹ này.

Một sự thay đổi lớn khác trong công tác CPH VCB là thay đổi về cách nhìn nhận. Trước đây, tại cuộc đấu giá Bảo Việt - DN đầu tiên trong số 22 DN lớn tại Việt Nam trong kế hoạch CPH năm 2007 của Chính phủ thì giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược rất được coi trọng. Tuy nhiên, tại VCB, giá cũng quan trọng, nhưng nội dung cam kết của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (ở VCB, chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới đủ tầm là nhà đầu tư chiến lược) trong việc gắn bó và trực tiếp tham gia phát triển Ngân hàng mới là yếu tố được coi trọng nhất. Ngoài ra, quan điểm của Chính phủ cũng khá cởi mở cho nhà ĐTNN: nếu nhà ĐTNN cam kết hỗ trợ VCB tốt thì Chính phủ sẽ có sự đãi ngộ cao hơn với VCB.

Đại diện VCB còn cho biết, Ngân hàng này có định hướng sẽ niêm yết tại TTCK nước ngoài (Hồng Kông  hoặc Singapore ). Tuy nhiên, tại cả 2 thị trường này, đòi hỏi về tỷ lệ cổ phần bán trên thị trường của họ là tương đối lớn, tối thiểu phải 15% vốn của một DN. Với VCB, do là ngân hàng quy mô lớn, nên cả Singapore và Hồng Kông đều cho áp dụng một cơ chế linh hoạt hơn về tỷ lệ niêm yết, nhưng thấp nhất cũng phải 10% vốn điều lệ. Đại diện VCB cho biết, việc niêm yết tại TTCK nước ngoài, nếu có, sẽ được thực hiện sau khi VCB hoàn tất CPH, chứ VCB không thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu song song trên cả 2 thị trường (Việt Nam và nước ngoài).