Vì sao bị truy tố hai lần nhưng chiến dịch tranh cử của ông Trump khó bị ảnh hưởng?

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi bị truy tố lần đầu, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Bây giờ, sau khi bị truy tố lần hai, có vẻ như ngay cả những cáo buộc liên bang cũng không ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của ông.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, trái) tại phiên xét xử của tòa án hình sự Manhattan ở New York, Mỹ ngày 4/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, trái) tại phiên xét xử của tòa án hình sự Manhattan ở New York, Mỹ ngày 4/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Vox, nhiều chiến lược gia của đảng Cộng hòa nhận định rằng hầu hết các cử tri tham gia bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa đã có quyết định về ông Trump từ lâu, có nghĩa là lần truy tố mới nhất không thay đổi được điều gì.

Trước đó, cuộc thăm dò do CBS News thực hiện vào ngày 9 và 10/6 (ngay sau khi tin tức về bản cáo trạng thứ hai xuất hiện) cho thấy 76% cử tri đảng Cộng hòa nghĩ rằng bản cáo trạng có động cơ chính trị và 61% nói rằng vụ việc không thay đổi quan điểm của họ về ông Trump.

Ông Matt Terrill, cựu chánh văn phòng của thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Marco Rubio, cho biết: “Ít nhất là về cuộc bầu cử sơ bộ, điều này chắc chắn không ảnh hưởng đến cơ hội được đề cử của cựu Tổng thống Trump”.

Người ủng hộ ông Trump không quan tâm tới bản cáo trạng thứ hai

Hồi tháng 4, người ủng hộ ông Trump có thể coi bản cáo trạng lần đầu mang động cơ chính trị, nhưng với bản cáo trạng thứ hai liên quan việc xử lý tài liệu mật, họ khó có thể nói như vậy.

Cáo trạng đầu tiên liên quan tới các khoản tiền bịt miệng cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Còn lần này, ngay cả một số nhân vật nổi tiếng của đảng Cộng hòa, cũng cho rằng cần xem xét một cách nghiêm túc cáo trạng.

Chuyên gia thăm dò dư luận thuộc đảng Cộng hòa, ông Whit Ayres nhận định bản cáo trạng mới nhất của ông Trump là sự chỉ trích nặng nề về việc xử lý thông tin mật có tính nhạy cảm cao và sẽ dẫn tới việc bị buộc tội nhiều trọng tội.

Vấn đề là những người ủng hộ ông Trump có thể không sẵn sàng nghe điều này, đặc biệt là khi thông điệp đó đến từ những người không đứng về phía họ.

Ông Terrill nói: “Nhiều cử tri đảng Cộng hòa ngày càng mất lòng tin vào Bộ Tư pháp và chính phủ Mỹ. Rất nhiều trong số những cử tri này coi cựu Tổng thống Trump là một nhân vật cao nhất nói lên sự thật mà họ từng thấy ở Mỹ”.

Nhiều người trong phe của ông Trump cũng không quan tâm đến giá trị của vụ án, khiến họ khó bị lung lay. Họ cho rằng ông Trump bị đối xử theo tiêu chuẩn kép, khi so sánh ông với các quan chức khác đã từng xử lý sai các tài liệu nhạy cảm, như cựu Phó Tổng thống Mike Pence, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2016 Hillary Clinton và Tổng thống Joe Biden.

Trong những tháng gần đây, các tài liệu mật cũng xuất hiện trong văn phòng cá nhân của ông Biden ở Washington, DC và tại nhà riêng của ông ở Delaware, cũng như tại nhà ông Pence ở Indiana. Sự khác biệt trong các vụ việc là cả ông Biden và Pence đã nhanh chóng chuyển giao các tài liệu đó, nhưng khác biệt này không được những người ủng hộ ông Trump thừa nhận.

Theo ông Ayres, cử tri ủng hộ ông Trump không muốn nghe về những khác biệt giữa vụ của ông Trump và vụ tương tự liên quan ông Biden và Pence.

Nhưng ngay cả khi các cử tri đảng Cộng hòa nghĩ rằng những cáo buộc nhằm vào ông Trump là đúng, thì họ vẫn không tin rằng đây là vấn đề có thể ngăn cản ông Trump đối đầu với Tổng thống Biden trong cuộc tranh cử năm 2024.

Ông Robert Cahaly, nhà thăm dò ý kiến của đảng Cộng hòa, cho biết: “Tôi gặp những người ủng hộ ông Trump, những người nghĩ rằng những cuộc điều tra này sẽ không ngăn được ông ấy đánh bại ông Biden”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Latrobe, Pennsylvania, ngày 5/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Latrobe, Pennsylvania, ngày 5/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Các đối thủ của ông Trump trong đảng Cộng hòa không thay đổi động thái

Phần lớn đối thủ của ông Trump trong đảng Cộng hòa dường như không nghĩ rằng bản cáo trạng đã giúp họ có cơ hội trong một cuộc đua mà ông Trump rõ ràng là người dẫn đầu trong nhiều tháng qua.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Tim Scott và nhà hoạt động cánh hữu Vivek Ramaswamy đều lên án hệ thống tư pháp hình sự thiên vị khi đưa ra bản cáo trạng nhằm vào ông Trump, nhưng không bình luận về các cáo buộc cụ thể. Ngay cả cựu Phó Tổng thống Mike Pence cũng cho biết ông vô cùng lo lắng khi thấy bản cáo trạng này.

Có một ngoại lệ là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. Bà đã phát biểu trên Fox News ngày 12/6 rằng nếu những cáo buộc nhằm vào ông Trump là đúng, thì ông ấy đã “cực kỳ liều lĩnh với an ninh quốc gia của chúng ta”.

Câu hỏi đặt ra là trong những tuần và tháng tới, liệu có nhiều ứng cử viên và cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ quan điểm này của bà Haley hay không vì vụ việc có thể không được quyết định cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.

Với các thành viên Cộng hòa đang cố gắng vượt qua rất nhiều đối thủ cùng đảng trong bầu cử sơ bộ, sẽ ngày càng nhiều người bám lấy lập luận rằng bản cáo trạng này khiến ông Trump giảm cơ hội được chọn. Tuy nhiên, theo ông Terrill, những cuộc tấn công đó cuối cùng có thể tỏ ra không hiệu quả nhờ sức mạnh của các cử tri ủng hộ ông Trump. Ông nói: “Có nhiều cử tri đảng Cộng hòa và nhiều nhà tài trợ tin rằng cựu Tổng thống Trump là ứng cử viên mà họ muốn và tin rằng ông ấy có thể giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử”.

Tuy vậy, một số chiến lược gia khác nói rằng tâm lý có thể thay đổi khi người ta nhận thấy mức độ nghiêm trọng của bản cáo trạng và ý nghĩa của bản cáo trạng đối với khả năng đắc cử của ông Trump. Những người dễ thay đổi nhất là những cử tri cho biết họ “có thể bầu cho ông Trump”. Đây là những người thích ông Trump, nhưng cũng muốn bầu cho một người có thể giành chiến thắng.

Tin bài liên quan