Hầu hết các thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đều có bóng dáng ngân hàng.

Hầu hết các thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đều có bóng dáng ngân hàng.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước phải “tuýt còi” chiêu bài đảo nợ cho công ty thân hữu

Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa phải “tuýt còi” hiện tượng ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Trên thực tế, ngân hàng không phải là “tay mơ” trong giới đầu tư tài chính. Nếu ngân hàng chỉ đầu tư trái phiếu đơn thuần, thì không đến mức, NHNN phải lên tiếng cảnh báo rủi ro. Vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ, cơ quan quản lý đã phát hiện một số ngân hàng lợi dụng “chiêu” đầu tư trái phiếu để đảo nợ cho doanh nghiệp sân sau, cho công ty thân hữu.

Cảnh báo của NHNN được đưa ra trong bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp phát triển bùng nổ từ đầu năm đến nay. Hầu hết các thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đều có bóng dáng ngân hàng: ngân hàng tư vấn phát hành, ngân hàng đứng ra phân phối, ngân hàng là trái chủ lớn nhất. Dĩ nhiên, hoạt động tư vấn, đầu tư của ngân hàng thường được thực hiện qua công ty con như công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ…

Không khó để nhận ra Techcombank, SHB, BIDV, MB… là những ngân hàng đang “ôm” nhiều nhất trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại MB và Techcombank tăng ấn tượng từ đầu năm đến nay, tập trung nhiều vào hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp bất động sản khá “quen mặt”.

Nhìn vào cơ cấu đầu tư của một số nhà băng, có thể thấy, hầu hết những nhà phát hành trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ hiện là “con nợ” của ngân hàng này.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đa dạng hóa kênh tiếp cận vốn, giảm phụ thuộc vào tín dụng là hướng đi tích cực, song thị trường này chỉ phát triển lành mạnh nếu có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia.

Một khi thị trường vẫn chủ yếu tập trung qua kênh ngân hàng như hiện nay, mà ngân hàng lại chỉ ưu tiên đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp thân quen, thì hệ thống đang tiềm ẩn những bất ổn, những dấu hiệu biến tướng về tín dụng. Nếu không cẩn thận, cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng sẽ gặp rủi ro.

Ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ không phải là cách thức mới, bởi việc này giúp doanh nghiệp kéo dài thời gian trả nợ, ngân hàng cũng tránh bị tăng thêm nợ xấu. Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, áp dụng khi một số doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời về dòng tiền.

Thực tế còn cho thấy, việc đảo nợ bằng “chiêu” đầu tư trái phiếu sẽ khiến chất lượng khoản nợ được ghi nhận trên báo cáo tài chính không được phân loại chính xác.

Năm 2018, NHNN đã ban hành Thông tư 15/2018/TT-NHNN nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng này nóng trở lại cùng làn sóng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của nhà băng.

Việc đảo nợ bằng “chiêu” đầu tư trái phiếu sẽ khiến chất lượng khoản nợ được ghi nhận trên báo cáo tài chính không được phân loại chính xác.   

Dù NHNN đang “siết” tín dụng bất động sản để bảo vệ chính ngân hàng, nhưng với chiêu bài đầu tư đầu tư trái phiếu, nhà băng đã tự phá đai bảo vệ an toàn cho chính mình, dễ dàng bơm tiền cho dự án bất động sản với thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, mà không sợ vướng hạn mức tín dụng, không sợ vướng quy định về đảo nợ. 

Trước  mắt, việc “lách” tín dụng, đảo nợ này có thể giúp ngân hàng tăng lợi nhuận, né nợ xấu, giúp những doanh nghiệp hết hạn mức tín dụng hoặc đến kỳ trả nợ chưa xoay được nguồn tiền có thể tạm ung dung, nhưng về lâu dài, giải pháp này sẽ khiến nợ xấu chồng nợ xấu.

Với thị trường bất động sản, huy động vốn qua kênh trái phiếu quá dễ, kiểm soát lỏng lẻo dẫn đến việc doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy vốn quá cao. Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa bền vững, cộng thêm yếu tố đòn bẩy tài chính lớn, nếu thị trường này rơi vào suy thoái, thì hẳn nhiên, doanh nghiệp bất động sản sẽ mất khả năng trả nợ, phá sản.    

Những cảnh báo mà NHNN là rất cần thiết, nhưng ở góc độ khác, sự biến tướng của thị trường đầu tư trái phiếu đã cho thấy, nhu cầu vay và cho vay bất động sản của ngân hàng cùng doanh nghiệp là rất lớn. Do vậy, cơ quan quản lý không nên ngay lập tức siết chặt kênh trái phiếu doanh nghiệp, vì quyết định đó có thể đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước mắt, trách nhiệm của cơ quan quản lý là nắn dòng để thị trường chảy đúng hướng, tạo hành lang pháp lý an toàn cho doanh nghiệp và ngân hàng hoạt động, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm những ngân hàng cố tình lách luật, mua trái phiếu để đảo nợ sai quy định.

Tin bài liên quan