Vì sao người Thái thích đổ tiền vào bóng đá Anh

Ngoài đam mê, các doanh nhân Thái Lan còn coi đây là cơ hội tốt để quảng bá chính công ty mình tại quê nhà, cũng như tăng danh tiếng ở nước ngoài.

Đường cao tốc dẫn từ Bangkok lên phía bắc tới quê hương của đội bóng giải vô địch quốc gia Thái Lan - Bangkok Glass trải đầy các biển quảng cáo có hình các đội bóng Anh. Người Thái từ lâu đã thích bóng đá Anh, và ngày càng thể hiện tình cảm đó bằng các khoản đầu tư mạnh tay.

Tháng một năm ngoái, Dejphon Chansiri mua câu lạc bộ Sheffield Wednesday. Gia đình ông sở hữu hãng sản xuất cá hồi đóng hộp lớn ở Thái Lan - Thai Union Group. Còn năm 2014, một nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Sasima Srivikorn cũng giành quyền kiểm soát đội bóng đang chơi ở giải hạng nhất - Reading.

Năm 2010, đại gia bán lẻ Thái - King Power mua Leicester City. Người đi tiên phong và cũng nổi tiếng nhất trong trào lưu này là cựu Thủ tướng Thái Lan - Thaksin Shinawatra. Ông đã mua Manchester City năm 2007 và bán đi một năm sau đó.

vi-sao-nguoi-thai-thich-do-tien-vao-bong-da-anh
Hình ảnh các đội bóng Anh xuất hiện rất nhiều tại Bangkok (Thái Lan). Ảnh: AP

Ngoài sở hữu đội bóng, Bangkok Glass còn là hãng sản xuất kính khá lớn và là công ty con của Boon Rawd Brewery. Sản phẩm nổi tiếng của họ là Singha Beer - có hợp đồng tài trợ với vài câu lạc bộ tại Premier League. Đối thủ của Singha - Chang Beer cũng là nhà tài trợ chính của Everton.

Singha đang lên kế hoạch tăng đầu tư vào bóng đá Anh, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể. "5 năm gần đây, chúng tôi đã được khá nhiều câu lạc bộ tại Anh tiếp cận. Họ hỏi chúng tôi có muốn làm cổ đông, hay đầu tư vào họ không. Với chúng tôi, giờ chưa đến lúc", Pavin Bhirombhakdi - Chủ tịch câu lạc bộ Bangkok Glass cho biết trên AP.

Ông hiểu vì sao các doanh nhân và công ty Thái lại hào hứng với bóng đá Anh. "Những người sở hữu các câu lạc bộ bóng đá Anh đều ở tuổi 50 hoặc 60 rồi. Về mặt tài chính, họ không có vấn đề gì cả. Nếu lập một đội bóng tương tự ở Thái Lan, họ sẽ phải mất nhiều năm nỗ lực và đầu tư. Trong khi đó, các đội ở Anh khá sẵn. Dĩ nhiên, việc này cũng hỗ trợ quảng bá công ty cho họ nữa. Nhưng họ làm chủ yếu vì đam mê thôi. Nó cũng tự nhiên thôi mà", ông nói.

Premier League là một giải đấu quyền lực. Và nó sẽ là đòn bẩy cho việc kinh doanh của các công ty Thái. Sự thành công của Leicester City đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên toàn Thái Lan, khiến nhiều triệu phú cũng muốn thử tham gia lĩnh vực này.

Sở hữu một câu lạc bộ bóng đá cũng chưa chắc mang lại lợi nhuận. Chỉ gần một nửa số đội bóng tại Premier League có lãi mùa giải 2014-2015. Tuy nhiên, nó lại là cơ hội hiếm có để quảng bá chính công ty mình tại Thái Lan, cũng như tăng danh tiếng của họ ở nước ngoài.

Bhirombhakdi cho rằng bóng đá Anh sẽ vẫn là tiêu điểm của các nhà đầu tư trong ngắn hạn. "Thế hệ mới ở Thái Lan ngày càng có nhiều chủ câu lạc bộ và doanh nhân trẻ được giáo dục tại Anh. Họ lớn lên tại đất nước mà bóng đá gần như là một tôn giáo. Và điều này sẽ theo họ trong suốt cuộc đời", ông kết luận.

Tin bài liên quan