Việc tăng lãi suất của Indonesia nêu bật cuộc chiến khó khăn của châu Á trong việc bảo vệ tiền tệ

Việc tăng lãi suất của Indonesia nêu bật cuộc chiến khó khăn của châu Á trong việc bảo vệ tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Ngân hàng Trung ương Indonesia bất ngờ tăng lãi suất vào tuần trước đã nêu bật tình thế tiến thoái lưỡng nan của các ngân hàng trung ương khác ở châu Á trong việc bảo vệ tiền tệ và kiểm soát lạm phát, trong khi triển vọng nới lỏng tiền tệ sớm ở nhiều quốc gia đang mờ nhạt dần.

Do ngày càng có nhiều quan điểm giữa các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư ở châu Á rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không sớm kết thúc, động thái của Indonesia dường như đã làm tăng khả năng các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ có động thái tương tự.

Các ngân hàng trung ương châu Á đang chịu áp lực phải đưa ra một quyết định khó khăn, vì họ cũng đang phải đối mặt với những cơn gió ngược như bất ổn kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.

Ngân hàng trung ương Indonesia đã bất ngờ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách vào tuần qua, và đưa lãi suất cơ bản lên 6% trong khi hầu hết thị trường đều kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương này sẽ giữ nguyên lãi suất. Ngân hàng trung ương đã giải thích rằng việc tăng lãi suất là một biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu tác động của giá hàng nhập khẩu tăng cao.

Động thái của Ngân hàng Trung ương Indonesia đã gây ngạc nhiên vì họ được cho là khó có thể thắt chặt chính sách tiền tệ của mình - thậm chí trên thị trường còn có nhiều đồn đoán rằng họ có thể hạ lãi suất trong một sự thay đổi chính sách ngay từ đầu năm tới.

Động thái tăng lãi suất này diễn ra bất kể lạm phát ở Indonesia vẫn ở mức vừa phải so với các quốc gia khác trong khu vực. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 đã giảm xuống 2,28% và tiếp tục tiến gần đến mức thấp hơn trong phạm vi mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương là 2% đến 4% cho năm 2023.

Ngân hàng Trung ương Indonesia đã tăng lãi suất để ngăn chặn sự sụt giảm của đồng rupiah. Đồng tiền của Indonesia đã giao dịch ở mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 4/2020. Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng cho biết, sau cuộc họp chính sách rằng họ sẽ ổn định đồng rupiah thông qua can thiệp vào thị trường ngoại hối.

DBS Group Research cho biết, động thái của Ngân hàng Trung ương Indonesia "gợi nhớ đến quan điểm diều hâu của họ trong năm 2018" và các nhà kinh tế vọng Ngân hàng T-rung ương Indonesia sẽ "mở cửa cho việc thắt chặt chính sách hơn nữa" nhằm giảm thiểu rủi ro từ việc tăng lãi suất của Mỹ và ngăn chặn sự suy giảm của các cân thanh toán.

Các đồng tiền châu Á đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể so với đồng đô la trong năm nay nhưng các ngân hàng trung ương châu Á nhìn chung có thái độ chờ đợi và quan sát chính sách tiền tệ kể từ đầu năm 2023. Giờ đây, sự chú ý sẽ tập trung vào việc liệu họ có thay đổi quan điểm duy trì hiện trạng hay không.

Sau đợt tăng lãi suất của Indonesia, Philippines được cho là có nhiều khả năng sẽ có động thái tương tự.

Một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nhờ lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay của ngân hàng trung ương Philippines, lạm phát ở nước này sẽ bắt đầu giảm vào quý I/2024.

Lạm phát ở Philippines vẫn không dễ dàng được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, tăng tốc từ mức 5,3% trong tháng 8. Đồng peso của Philippines cũng suy yếu so với đồng đô la. Chính quyền Philippines và những người tham gia thị trường đang lo lắng về sự suy yếu của đồng tiền cũng như về lạm phát.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong tuần qua. Nhưng nhìn chung, BOK được xem là một cơ quan hoạch định chính sách có quan điểm diều hâu.

BOK ngày càng trở nên cảnh giác trước khả năng lạm phát cao do giá năng lượng tăng trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, bao gồm cả xung đột Israel-Hamas.

Nợ hộ gia đình ngày càng tăng cũng là một quả bom hẹn giờ đối với Hàn Quốc. Thắt chặt tiền tệ là rất quan trọng để làm dịu đi việc vay mượn. Các phương tiện truyền thông cho biết, 5 trong số 6 thành viên hội đồng quản trị chính sách tiền tệ của BOK đã ủng hộ việc tiếp tục lập trường thắt chặt hiện tại.

Trong khi đó, vẫn còn phải xem liệu các ngân hàng trung ương châu Á có tiếp tục thắt chặt tiền tệ một cách nghiêm túc hay không.

JPMorgan chỉ ra rằng việc tăng lãi suất bất ngờ của ngân hàng trung ương Indonesia là sự bổ sung cho các biện pháp thắt chặt "ngầm" được các ngân hàng trung ương châu Á lần lượt thực hiện gần đây và có lẽ không đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ thắt chặt.

Capital Economics cũng lưu ý rằng “các nhà hoạch định chính sách của Indonesia sẽ cảnh giác về việc thắt chặt chính sách quá mạnh mẽ”, với lạm phát rất thấp và tăng trưởng đang gặp khó khăn.

Có rất nhiều trở ngại để thắt chặt hơn nữa. Nhưng ít nhất có một điều có vẻ rõ ràng là con đường nới lỏng tiền tệ hiện còn một chặng đường dài. Lạm phát dai dẳng ở Mỹ và rủi ro địa chính trị đang gây căng thẳng giữa các ngân hàng trung ương châu Á.

Tin bài liên quan