Viện kinh tế Mastercard: Du lịch sẽ bùng nổ ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022

Viện kinh tế Mastercard: Du lịch sẽ bùng nổ ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau hai năm đầy biến động, nghiên cứu mới từ Viện Kinh tế Mastercard cho biết, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, lượng đặt vé máy bay đi du lịch nghỉ dưỡng và công tác trên toàn cầu đã vượt qua mức trước đại dịch.

Bên cạnh đó, chi tiêu cho các chuyến đi bằng du thuyền, xe buýt và tàu hỏa đã cải thiện rõ rệt trong năm nay, báo hiệu một dấu mốc quan trọng trong sự phục hồi của hoạt động du lịch trên toàn cầu.

Báo cáo du lịch thường niên lần thứ 3 của Viện Kinh tế Mastercard đi sâu vào các yếu tố chủ chốt trong hành trình du lịch. Điều này bao gồm các động lực thúc đẩy phục hồi du lịch, sự cân nhắc của người tiêu dùng khi đưa ra quyết định mua sắm liên quan đến du lịch và các xu hướng kinh tế vĩ mô như lạm phát, làm việc kết hợp, rủi ro trong chăm sóc sức khỏe và gián đoạn về địa chính trị, là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi du lịch.

Các phát hiện chính đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến tháng 4/2022 bao gồm việc mở cửa biên giới đã đưa châu Á trở lại bản đồ du lịch. Theo phân tích của Viện Kinh tế Mastercard, nếu xu hướng đặt vé máy bay tiếp tục được duy trì ở tốc độ như hiện tại, ước tính sẽ có thêm 430 triệu hành khách bay đến châu Á - Thái Bình Dương so với năm ngoái.

Triển vọng du lịch của khu vực rất khả quan là điều có thể thấy rõ, ngay cả khi các thị trường thuộc khu vực Bắc Á và Trung Quốc đại lục chưa nới lỏng các biện pháp biên giới. Bên cạnh nhu cầu gia tăng sau hai năm hoạt động du lịch bị đình trệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2022, việc nới lỏng hạn chế đi lại và mở cửa biên giới đã khiến cho nhu cầu du lịch cả trong và ngoài nước tăng vọt.

Một xu hướng có thể nhận thấy ở các thị trường trên toàn khu vực chính là việc người tiêu dùng sử dụng các khoản tiết kiệm dư dả để đi du lịch. Năm 2022, Úc mở cửa biên giới, khiến cho cơ hội đi lại gia tăng một cách bất ngờ. Ví dụ, lượng đặt vé máy bay từ Úc đến Indonesia đã tăng gần 200% trong năm 2022, và số lượng các chuyến bay đến Hoa Kỳ đã tăng hơn gấp đôi; các khoản chi tiêu cho du lịch thay đổi và hướng đến các trải nghiệm hơn là những yếu tố khác.

Tại Singapore đã ghi nhận khối lượng chi tiêu cao hàng đầu trên thế giới từ du khách quốc tế dành cho các trải nghiệm tại điểm đến, tăng 60% từ giai đoạn tiền đại dịch đến tháng 3/2022.

Tuy nhiên, các thị trường khác trong khu vực lại cho thấy một bức tranh phức tạp hơn. Indonesia và Hàn Quốc mở cửa biên giới vào tháng 4/2022, song vẫn ghi nhận lượng khách du lịch quốc tế thấp. Đây sẽ là một xu hướng quan trọng để theo dõi đến hết năm, khi các hạn chế đi lại trên khắp khu vực đang dần được nới lỏng, và khách du lịch trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu mua sắm và chi tiêu ở nước ngoài;

Ngoài ra, một số yếu tố khác như chi phí đi lại tiếp tục ở mức cao trong toàn khu vực do gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí vận hành lớn; Chi tiêu trong nước gia tăng trong khắp các ngành giao thông vận tải bị ảnh hưởng nặng nề; Chi tiêu cho nhiên liệu dần leo thang ở Singapore, Hồng Kông, Philippines và Úc, trong khi giao thông công cộng và các công ty vận hành tàu du lịch đã vững bước trở lại con đường phục hồi sau giai đoạn khởi đầu trì trệ do các hạn chế đối với việc đi lại theo nhóm.....

Ông David Mann, Nhà Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - châu Phi của Viện Kinh tế Mastercard cho biết, bất chấp sự phục hồi chậm trễ và vô vàn rủi ro như lạm phát ảnh hưởng đến tự do chi tiêu, khách du lịch đến từ châu Á - Thái Bình Dương cho thấy mong muốn mạnh mẽ được đi du lịch trở lại như trước đây.

"Năm 2022 sẽ là một năm quan trọng đối với ngành du lịch khu vực này. Khi các hạn chế biên giới được nới lỏng, chúng ta đã chứng kiến sự trở lại nhanh chóng của hoạt động du lịch, một dấu hiệu đáng mừng khi mà châu Á - Thái Bình Dương đã sẵn sàng để bắt kịp các khu vực khác trên thế giới", ông David Mann cho biết.

Tin bài liên quan