Việt Nam - Australia đẩy nhanh mở cửa thị trường cho nông sản 2 nước

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam - Australia đã và đang hợp tác tích cực trong quá trình thực hiện các thủ tục mở cửa thị trường cho nông sản 2 nước, góp phần đưa thương mại song phương vượt xa mức 14 tỷ USD.

Đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại Việt Nam – Australia giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Phụ trách Thương mại và Du lịch Australia, Don Farrell vừa diễn ra tại Melbourne, Australia.

Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, đồng thời góp phần vào thành công chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Australia.

Tại Đối thoại, hai Bộ trưởng đã trao đổi và đưa ra các biện pháp thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn trong hợp tác song phương như vấn đề mở cửa thị trường, hợp tác giáo dục, các hợp tác đa phương và khu vực mà hai nước cùng là thành viên (AANZFTA, CPTPP, RCEP, WTO).

Hai Bộ trưởng cũng thống nhất các vấn đề ưu tiên, các lĩnh vực hợp tác mới trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu Đối tác Chiến lược Toàn diện sớm được lãnh đạo cấp cao hai bên tuyên bố.

Kỳ họp lần thứ nhất Đối thoại Bộ trưởng thương mại Việt Nam – Australia.

Kỳ họp lần thứ nhất Đối thoại Bộ trưởng thương mại Việt Nam – Australia.

Cụ thể, về vấn đề mở cửa thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian qua, các Bộ chủ quản của hai bên đã hợp tác tích cực trong quá trình thực hiện các thủ tục mở cửa thị trường, nhất là sau khi kết thúc đại dịch Covid-19. Với quả chanh leo Việt Nam, hiện nay loại quả này đang tiến gần hơn đến thị trường Australia khi phía Australia đã tiến hành khảo sát thực địa.

"Hy vọng sau chanh leo, hồ sơ mở cửa cho quả bưởi cũng sẽ sớm được xem xét. Việt Nam cũng đang nghiên cứu tích cực hồ sơ tiếp cận thị trường của quả mận và việt quất của Australia", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật, tới đây, người tiêu dùng Việt Nam sớm được thưởng thức sản phẩm mật ong có nguồn gốc từ Australia sau khi hai Bên hoàn tất các thủ tục cuối cùng về thống nhất mẫu chứng thư kiểm dịch.

Trong thời gian tới, hai Bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp tích cực trong quá trình xem xét mở cửa cho nhiều hơn nữa các sản phẩm nông, thủy sản chất lượng của nhau.

Thương mại song phương Việt Nam - Australia liên tục tăng trưởng cao trong những năm qua. Giai đoạn 2010 – 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều tăng trung bình 12%/năm.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Australia đạt 13,8 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Australia 5,2 tỷ USD, nhập khẩu từ Australia đạt 8,5 tỷ USD, nhập siêu của Việt Nam từ Australia 3,3 tỷ USD, giảm 28,1% so với năm 2022.

Nhóm hàng điện thoại và linh kiện dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Australia đạt 589,25 triệu USD, chiếm 11,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang Australia, giảm 23% so với năm 2022.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng thứ 2 về kim ngạch, giảm 0,3% so với năm 2022, đạt 562,88 triệu USD, chiếm 10,8%. Tiếp đến là dầu thô đứng vị trí thứ 3, với mức tăng 37,4%, đạt 552,35 triệu USD, chiếm 10,6%; nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 506 triệu USD, chiếm 9,7%, giảm 3%.

Tháng 1/2024, xuất nhập khẩu 2 nước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 521,9 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu từ Australia đạt 729,2 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam nhập siêu 207 triệu USD, tăng 135,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Các sản phẩm hàng hoá Việt Nam xuất sang Australia tương đối đa dạng, trong đó tỷ trọng lớn nhất là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, máy vi tính, dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ hải sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Australia các sản phẩm than đá, quặng sắt, bông, lúa mỳ, kim loại, rau quả…

Đặc biệt, trong tháng 1/2024 nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam dù kim ngạch xuất sang Australia còn khiêm tốn song đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ như: Cà phê (+483,3%), sắt thép các loại (+386,7%), giấy và các sản phẩm từ giấy (+165,9%), gạo (+84,9%)…

Tin bài liên quan