Việt Nam chi gần 7,6 tỷ USD nhập khẩu sắt thép

0:00 / 0:00
0:00
Lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam 9 tháng 2023 đạt 9,3 triệu tấn, trị giá 7,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, lượng thép nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản.
Tiêu thụ trong nước giảm nhưng cả nước vẫn chi 7,6 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại.

Tiêu thụ trong nước giảm nhưng cả nước vẫn chi 7,6 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2023, Việt Nam nhập khẩu 1,4 triệu tấn sắt thép, trị giá 996 triệu USD, tăng lần lượt 9,1% về lượng và 6,3% về trị giá so với tháng 8 năm 2023.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 9,33 triệu tấn sắt thép với trị giá 7,53 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng nhưng lại giảm 21,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, 9 tháng qua, nước ta nhập khẩu 5,5 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc với kim ngạch 3,88 tỷ USD, tăng 38% về lượng nhưng lại giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Lượng và trị giá nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc chiếm lần lượt 59% và 51% tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Sắt thép nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 1,46 triệu tấn, trị giá 1,11 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng và trị giá nhập khẩu sắt thép từ thị trường này lần lượt tăng 5,8% và giảm 19,4%.

Thị trường tiêu thụ ảm đạm đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong nước cũng giảm theo.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng bán hàng thép xây dựng trong nước tháng 9/2023 đạt 958.560 tấn, tăng 9% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức sản lượng thép xây dựng bán hàng trong tháng được ghi nhận cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

"Nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều. Tuy vậy, sản lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 9/2023 đạt mức sản lượng bán hàng trong tháng cao nhất kể từ đầu năm 2023, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc - Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ, và một số dự án khác", VSA nhận định.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong nước đạt 7,722 triệu tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022, bán hàng đạt 7,738 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu đạt 344.676 tấn, giảm 12,9% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp thép kinh doanh thua lỗ do tiêu thụ kém. Chẳng hạn, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đạt doanh thu gần 6.790 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, lỗ trước thuế 193 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 22 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Thép Vicasa - VNsteel đạt doanh thu thuần quý III gần 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và thua lỗ gần 3 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thép Thủ Đức - VNSteel ghi nhận doanh thu giảm 19% so với cùng kỳ năm trước và lỗ 491 triệu đồng...9 tháng, Thép Thủ Đức - VNSteel đạt doanh thu thuần 571 tỷ đồng và lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 49% và 73% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh quốc tế kém thuận lợi và nội tại còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp ngành thép vẫn kỳ vọng vào đầu tư công tiếp tục được mở rộng, thị trường bất động sản… sẽ tiếp tục cải thiện, tạo cơ sở để thị trường thép trong nước quý IV/2023 sẽ tốt hơn so với các quý trước, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động bán hàng.

Tin bài liên quan