Việt Nam chi hơn 600 triệu USD nhập khẩu thịt từ nhiều thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ một số thị trường như: Mỹ, Nga, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, ..., với tổng mức chi hơn 600 triệu USD nửa đầu năm 2023.
Chi nhập khẩu thịt các loại nửa đầu năm 2023 vượt 600 triệu USD, giảm gần 4% so với cùng kỳ.

Chi nhập khẩu thịt các loại nửa đầu năm 2023 vượt 600 triệu USD, giảm gần 4% so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi hơn 620 triệu USD để nhập khẩu các loại thịt về thị trường nội địa, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, số liệu của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.

Mức nhập khẩu trung bình hơn 100 triệu USD/tháng. Riêng tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu 57.600 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 109 triệu USD, tăng 9,5% về lượng, nhưng giảm 10,2% về trị giá so với tháng 5/2022, cũng là tháng thứ 4 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Còn theo Bản tin Thị trường nông lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nửa đầu năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt lợn cho Việt Nam có sự thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu từ Nga, Đức tăng; trong khi tỷ trọng nhập khẩu từ Brazil, Canada, Hà Lan lại giảm.

Các chủng loại thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu gồm: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; Thịt trâu tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, phụ phẩm ăn được sau giết mổ (của lợn, trâu, bò) sống ướp lạnh hoặc đông lạnh có xu hướng tăng; Trong khi nhập khẩu thịt lợn và thịt bò giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu cập nhật 5 tháng 2023, Việt Nam nhập khẩu 29.600 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 73,6 triệu USD, giảm 19,9% về lượng và giảm 5,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 680.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,49 tỷ USD từ 56 thị trường trên thế giới, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 7,3% về trị giá so với năm 2021.

Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, với 151,43 nghìn tấn, trị giá 482,98 triệu USD, tăng 49,8% về lượng và tăng 49,9% về trị giá so với năm 2021.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt năm qua đạt 18,87 nghìn tấn, trị giá 84,6 USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 3,6% về trị giá so với năm 2021, nhập siêu ngành thịt trên 1,35 tỷ USD.

Tin bài liên quan