Các chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội thảo “Kết nối ngành công nghiệp di chuyển thông minh” đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp di chuyển thông minh.

Các chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội thảo “Kết nối ngành công nghiệp di chuyển thông minh” đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp di chuyển thông minh.

Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghiệp di chuyển thông minh

0:00 / 0:00
0:00
Với sự gia tăng đáng kể sự ưa chuộng đối với xe điện và hệ thống giao thông thông minh, Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp di chuyển thông minh.

Ngày 1/11 tại Hà Nội, Cục Ngoại thương Đài Loan - TITA (Trung Quốc) phối hợp với Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan - TAITRA (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo “Kết nối ngành công nghiệp di chuyển thông minh”.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng cơ hội hợp tác với Việt Nam - thị trường có tiềm năng lớn cho ngành này.

Tại Hội thảo, ông Tony Meng, Tổng giám đốc Delta Electronics tại Việt Nam nhấn mạnh, với sự gia tăng đáng kể về sự ưa chuộng xe điện và hệ thống giao thông thông minh, Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng của lĩnh vực này.

"Việt Nam đang chứng kiến một sự gia tăng đáng kể trong sự phát triển các giải pháp di chuyển thông minh. Số lượng xe điện và các hệ thống giao thông thông minh đang ngày càng được ưu chuộng và triển khai rộng rãi. Về tương lai, dự kiến rằng ngành công nghiệp di chuyển thông minh tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ do sự đầu tư và hỗ trợ từ chính phủ, sự gia tăng nhận thức về vấn đề môi trường và nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp di chuyển tiện ích và bền vững", ông Tony Meng nhận định.

Chung quan điểm, ông Trần Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Advantech Việt Nam cho rằng, việc sử dụng công nghệ thông minh để quản lý hạ tầng giao thông đang dần trở nên phổ biến tại các tỉnh thành. Giao thông thông minh là nền tảng để phát triển giao thông, tối ưu hóa các hoạt động vận chuyển, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, theo ông Trần Kiên, đầu tư vào lĩnh vực này là thách thức lớn nên cần sự phát triển đồng bộ, cùng việc hoạch định chiến lược và chính sách một cách căn cơ. Vì thế, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được nên cần sự hợp tác, đầu tư từ các tập đoàn, tổ chức quốc tế cùng sự hỗ trợ của cơ quan quản lý.

Để có thể đón đầu và hưởng lợi từ quá trình phát triển trong lĩnh vực này, ông Trần Kiên cho rằng, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác chiến lược của cơ quan chính phủ và các công ty khác trong ngành, cam kết vào chất lượng và bảo mật.

Trước những yêu cầu thực tiễn trên, tại Hội thảo, TAITRA đã giới thiệu các triển lãm trong năm 2024 về những xu hướng và sản phẩm mới trong lĩnh vực di chuyển thông minh.

Cụ thể là Triển lãm “2035 E-Mobility Taiwan” sẽ tập trung vào các giải pháp về năng lượng tái tạo và xe điện, giới thiệu các mô hình xe mới, công nghệ pin tiên tiến; “Taipei AMPA” - triển lãm về ngành công nghiệp ô tô và xe máy, phát triển ô tô tự động; “AutoTronics Taipei” - triển lãm công nghệ ô tô và xe máy, tập trung vào các giải pháp IoT (Internet of Things) và công nghệ thông minh trong ngành công nghiệp di chuyển.

Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, các triển lãm này sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác và trao đổi ý kiến, giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác mới, đồng thời tăng cường uy tín và sự hiện diện của ngành công nghiệp di chuyển thông minh trên thị trường toàn cầu.

Tin bài liên quan