Cùng với bất động sản khu công nghiệp, bất động sản bán lẻ Việt Nam cũng được đánh giá có nhiều cơ hội. Ảnh: Dũng Minh

Cùng với bất động sản khu công nghiệp, bất động sản bán lẻ Việt Nam cũng được đánh giá có nhiều cơ hội. Ảnh: Dũng Minh

Việt Nam đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho ngành sản xuất

(ĐTCK) Các nhà sản xuất thiết bị điện tử như Samsung, LG, Microsoft, Intel… đã đầu tư số tiền rất lớn vào nhà máy sản xuất của họ tại Việt Nam.

Từng chỉ đạo hơn 250 thương vụ tư vấn định giá cho các khách hàng quan trọng như Pepsico, CocaCola, Deutsche Bank, HSBC, ANZ, UOB, HDBank, VinaCapital, Vingroup…, ông Võ Văn Hữu Phước, tân Giám đốc Bộ phận Định giá và Nghiên cứu, Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông qua mạng lưới của Cushman & Wakefield, đang tìm đến thị trường bất động sản Việt Nam. 

Bất động sản khu công nghiệp đang được kỳ vọng sẽ đón dòng vốn đầu tư lớn nhờ TPP và các FTA thế hệ mới khác. Liệu đã có những động thái cụ thể của nhiều nhà đầu tư chứng minh cho nhận định này, thưa ông?

Dấu hiệu rõ ràng nhất là việc các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt từ châu Á và Mỹ đã đẩy mạnh việc tìm kiếm quỹ đất thông qua mạng lưới của Cushman & Wakefield nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Đây là điều kiện thuận lợi cho các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận nếu năng động trong thu hút đầu tư, đặc biệt là khi bất động sản khu công nghiệp đang được đánh giá là phân khúc có tỷ suất sinh lời cao và ổn định nhất hiện nay.

Ngoài ra, các quỹ đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc đang đón đầu xu hướng cộng hưởng từ phân khúc bất động sản công nghiệp và văn phòng bằng việc phát triển các dự án dân cư, bán lẻ và giải trí nhằm phục vụ cho các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc trong thời gian tới, nhất là khi các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực. 

Nói đến bán lẻ, vừa qua Aeon Maill mở đại siêu thị lớn ở Hà Nội, Vingroup tuần qua khai trương một lúc 3 trung tâm thương mại, Big C có đến 80% khả năng sẽ bị đại gia Thái Lan mua lại... Những thông tin dồn dập đến từ phân khúc này cho thấy điều gì, thưa ông?

Thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường còn rất nhiều tiềm năng với các đặc tính như dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, lương tăng 10% trong năm nay và dự kiến tăng thêm 15% trong năm tới, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất khu vực, khả năng chi tiêu ngày càng cao…

Với các yếu tố kể trên, thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2015 vừa qua đã diễn biến rất sôi động với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN trong nước và ngoài nước. Điều này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Việt Nam đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho ngành sản xuất ảnh 1

Ông Võ Văn Hữu Phước

Hiện nay, các công ty, tập đoàn nước ngoài đang chiếm phần lớn thị phần bán lẻ từ sản xuất tới phân phối. Hy vọng điều này sẽ dần thay đổi khi các DN trong nước có những chiến lược cụ thể, tận dụng lợi thế sân nhà như nắm rõ nhu cầu, thị hiếu cũng như thói quen của người tiêu dùng Việt Nam nhằm tăng tính cạnh tranh trong thời gian tới.

Từng tư vấn cho một loạt khách hàng lớn như Pepsico, CocaCola, Deutsche Bank, HSBC, ANZ, UOB, HDBank, VinaCapital..., ông có thể bật mí những tập đoàn lớn nào đang nhìn vào Việt Nam như một "cứ điểm sản xuất toàn cầu"?

Báo cáo mới đây nhất của Cushman & Wakefield “Điểm dừng chân cho các nhà sản xuất năm 2015” đã công bố Việt Nam trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho ngành sản xuất sau khi nhảy một bậc so với năm 2014 để leo lên vị trí đứng đầu bảng xếp hạng “Chỉ số phát triển của các quốc gia mới nổi trong ngành sản xuất (Growth Index). Các nhà sản xuất thiết bị điện tử như Samsung, LG, Microsoft, Intel… đã đầu tư số tiền rất lớn vào nhà máy sản xuất của họ tại Việt Nam.

Theo nghiên cứu mới nhất từ Hội đồng phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC), xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam bao gồm điện thoại, máy vi tính, điện tử, linh kiện đã tăng gấp 3 lần trong thời gian từ 2011 - 2014, đạt 36 tỷ USD trong năm 2014 (gấp đôi năm 2011) và chiếm 24% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu hàng điện tử tăng nhanh chóng đã thúc đẩy sự mở rộng của các nhà máy sản xuất của các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều công ty sản xuất quần áo và giày đang đầu tư vào Việt Nam và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015, dự tính đạt 28,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, so với con số 24 tỷ USD trong năm 2014. Những ngành khác cũng đang tìm đến Việt Nam và tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng của đất nước này đang là yếu tố giúp hình thành xu hướng bất động sản mới, bao gồm sự xuất hiện và ngày càng phổ biến của lĩnh vực cho thuê nhà máy/kho bãi. 

Một số những thuận lợi và tiến bộ của bất động sản khu công nghiệp được ghi nhận bao gồm: các khu công nghiệp hiện đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thủ tục nhập khẩu/xuất khẩu và khai báo thuế, điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các công ty mới thành lập Việt Nam. Năng lực quản lý ngày càng tiến bộ và nhà giá rẻ cho người lao động tại các khu công nghiệp cũng đang được Chính phủ chú trọng hơn.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bất động sản công nghiệp, bởi vì trước đây nhiều đơn vị sản xuất và các công ty logistic đã gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất/dịch vụ tại các tỉnh thành khác nhau.       

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan