Việt Nam nằm trong nhóm nước phát triển con người cao

0:00 / 0:00
0:00
Theo báo của của UNDP, Việt Nam được xếp trong nhóm các nước có chỉ số cao về phát triển con người, tăng trưởng liên tục qua các năm.

Báo cáo phát triển con người (HDR) công bố ngày 14/3 với tiêu đề “Phá vỡ tình trạng bế tắc: Tái hình dung sự hợp tác trong một thế giới phân cực” của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy giá trị chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2022 là 0,726, đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Vào những năm 1990, khi UNDP đưa ra chỉ số phát triển con người HDI, Việt Nam ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng, nhưng đến nay Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua.

Việt Nam cũng xếp thứ 91/166 quốc gia về Chỉ số bất bình đẳng giới - Chỉ số xem xét sự bất bình đẳng trên ba khía cạnh sức khỏe sinh sản, trao quyền và thị trường lao động.

"Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch Covid-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua", Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi cho biết.

"Việt Nam đã làm tốt ở một số khía cạnh như tiếp cận giáo dục và tham gia lực lượng lao động nhưng vẫn còn tồn tại sự phân công lao động theo giới với những công việc ổn định hơn, được trả lương cao dành cho nam giới và phụ nữ vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong vai trò lãnh đạo trong Chính phủ, Quốc hội và trong khu vực tư nhân", bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Báo cáo HDR mới của UNDP cũng cho thấy, chỉ số HDI được dự đoán sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 sau khi giảm mạnh trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, tiến độ này rất không đồng đều. Các nước giàu đang có mức độ phát triển con người cao kỷ lục trong khi một nửa số nước nghèo nhất thế giới vẫn ở dưới mức trước khủng hoảng.

Sự bất bình đẳng trên toàn cầu được nhân lên bởi sự tập trung kinh tế. Trong đó, gần 40% thương mại hàng hóa toàn cầu tập trung ở một số ít quốc gia nhất định; và vào năm 2021, vốn hóa thị trường của 3 công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã vượt qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hơn 90% quốc gia trên thế giới.

“Khoảng cách phát triển con người ngày càng lớn như báo cáo đề cập cho thấy xu hướng giảm dần bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo trong 2 thập kỷ qua hiện đang bị đảo ngược. Chúng ta cần tận dụng sự phụ thuộc lẫn nhau cũng như khả năng giải quyết những thách thức chung đang tồn tại, đồng thời đảm bảo đáp ứng nguyện vọng của người dân”, ông Achim Steiner, người đứng đầu UNDP cho biết.

Tin bài liên quan