Việt Nam tham gia cuộc đua 6G

0:00 / 0:00
0:00
Dù chưa thương mại hóa mạng 5G, nhưng Việt Nam sẽ bước vào cuộc đua công nghệ 6G ngay trong năm 2022.
Việt Nam tham gia cuộc đua 6G

Việt Nam khởi động nghiên cứu 6G

Trong năm 2021, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã thử nghiệm 5G tại 16 tỉnh/thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bình Dương, Cần Thơ, Bến Tre), với hơn 500.000 thuê bao sử dụng.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng phụ trách Cục Viễn Thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022 và sớm phủ sóng đến các khu công nghiệp công nghệ cao và khu vực có nhu cầu sử dụng cao.

Cùng với việc thương mại hóa 5G, Việt Nam đặt mục tiêu bắt tay nghiên cứu mạng 6G ngay trong năm 2022.

“Việt Nam phải đi trong nhóm đầu về phát triển 5G và 6G: Phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc, khởi động nghiên cứu 6G ngay trong năm 2022”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng tuyên bố, Việt Nam sẽ là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có Ban Chỉ đạo 6G, đồng thời khẳng định, Việt Nam phải đi cùng tốp đầu thế giới về công nghệ 6G và tần số sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép vào năm 2028 (nếu có thể), trước khi thương mại hóa 6G.

Tuyên bố trên có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu tham gia cuộc đua 6G. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, “Việt Nam phải đi cùng nhịp với các quốc gia phát triển trên thế giới trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến nhất”. Công nghệ 6G đang được một số quốc gia nghiên cứu.

Tại Trung Quốc, 6G bắt đầu nghiên cứu vào năm 2018 và dự định tới năm 2029 sẽ giới thiệu tới công chúng. Cùng năm 2018, Mỹ cũng bắt đầu triển khai nghiên cứu 6G và liên minh nghiên cứu công nghệ không dây tại Bắc Mỹ mang tên Next G được thành lập vào năm 2020 với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ và viễn thông như Apple, Google và AT&T.

Còn Hàn Quốc thì lên kế hoạch giới thiệu 6G vào năm 2026 với sự tham gia của LG, Samsung và SK Telecom. Hàn Quốc đầu tư vào kinh tế số, bao gồm cả 6G, lên tới 11,7 tỷ USD.

Trong khi đó, Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu 6G với sự tham gia của Sony, NTT và Intel vào năm 2020 và dự định tung ra công nghệ kết nối thế hệ tiếp theo này vào năm 2030, đưa vào quỹ phát triển 9,6 tỷ USD (bao gồm 6G và các công nghệ khác).

Đặc biệt, các nước châu Âu, với sự tham gia của Phần Lan, Đức, Anh và Nga đã bắt tay nghiên cứu 6G từ năm 2020.

Như vậy, có thể thấy rằng, Việt Nam là một trong số ít nước đang phát triển tuyên bố tham gia “sân chơi” nghiên cứu công nghệ 6G.

Tuyên bố trên là có cơ sở khi công nghệ 5G của Việt Nam thuộc nhóm gia nhập thử nghiệm thành công sớm nhất. Vào đầu năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên mạng của Viettel tại Hà Nội, trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới.

Mặt khác, tại Việt Nam, Viettel đã nghiên cứu thành công sản phẩm 5G hoàn chỉnh, gồm mạng lõi 5G Core, mạng truyền dẫn Site Router 100G, mạng vô tuyến gNodeB Micro và Macro. Công ty cũng đã triển khai thử nghiệm một cụm mạng 5G hoàn chỉnh trong tháng 12/2021. Những yếu tố này tạo bàn đạp, sự tự tin để Việt Nam bước vào một cuộc chơi công nghệ dẫn dắt tương lai.

Doanh nghiệp Việt hào hứng với 6G

Mặc dù 5G chưa được thương mại hóa, nhưng với chu kỳ thay thế mạng không dây 10 năm diễn ra một lần, 6G có thể ra mắt sớm nhất vào năm 2030. Chính vì vậy, nếu nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ 6G, các quốc gia sẽ có ưu thế rất lớn trong thương mại hóa, dẫn dắt công nghệ. Một số nhà mạng Việt Nam đã có kế hoạch tham gia cuộc chơi 6G.

Hiện chưa có bất kỳ tiêu chuẩn nào về 6G, nhưng về lý thuyết, 6G ước đạt tốc độ 1 terabit/giây, tức là trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung video ở độ phân giải cao nhất. So với 5G, tốc độ lý thuyết của mạng 6G nhanh gấp 100 lần.

Một lãnh đạo Viettel cho biết, năm 2022, Viettel tiếp tục phát triển công nghệ bán dẫn để sản xuất chipset 5G tại Việt Nam, đồng thời bắt đầu nghiên cứu công nghệ 6G. Nhưng có lẽ, thế giới sẽ bắt đầu thử nghiệm 6G vào năm 2025, nên muộn nhất vào năm 2023, Viettel sẽ phải nghiên cứu 6G để chờ thời điểm ứng dụng vào năm 2028, chậm nhất vào năm 2030.

“Đến năm 2023, trong công nghệ 6G trên thế giới bắt đầu có tiếng nói của Viettel và Viettel sẽ đóng góp không ít bằng sáng chế, đặt ra những tiêu chuẩn trong ngành viễn thông, được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công nhận, giới thiệu”, lãnh đạo Viettel chia sẻ.

Còn ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám Tập đoàn VNPT cho rằng, quốc gia nào làm chủ được công nghệ mới của thế giới thì sẽ có rất nhiều lợi thế. Việc nghiên cứu sớm công nghệ 6G từ thời điểm 5G bắt đầu thương mại hóa không phải là quá sớm, bởi quá trình nghiên cứu một thế hệ mới thường kéo dài 8-10 năm.

Lãnh đạo VNPT cho biết, trong năm 2022, VNPT vẫn tiếp tục chiến lược phủ sóng 4G và thương mại hóa 5G theo kế hoạch, theo nhu cầu của khách hàng. Ở một thời điểm thích hợp, VNPT sẽ tham gia cuộc chơi 6G.

Có thể thấy, nghiên cứu phát triển 6G là một cuộc chơi của tương lai, với sự tham gia của các cường quốc công nghệ giàu tiềm lực nhất. Việc Việt Nam gia nhập cuộc chơi đó cho thấy sự tự tin, tâm thế sẵn sàng hòa nhịp cùng thế giới ở các thế hệ công nghệ mới nhất. Thành công hay thất bại, thu hoạch được nhiều hay ít là câu chuyện của tương lai, bởi thời điểm này, 6G vẫn còn là con số 0, nhưng ít nhất, chúng ta cũng cho thế giới thấy một Việt Nam dám tham gia cuộc chơi vốn dành cho các “ông lớn”.

Tin bài liên quan