Việt Nam thăng hạng về chỉ số hòa bình toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu 2023, Việt Nam đã tăng 4 hạng so với năm trước đó.

Viện Kinh tế và Hòa bình, trụ sở chính tại Sydney, Australia, gần đây đã công bố Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) 2023, xếp hạng mức độ yên bình của 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chỉ số GPI được tính toán dựa trên 3 yếu tố chính: Mức độ an toàn và an ninh trong xã hội, mức độ xung đột trong nước và quốc tế, cũng như mức độ quân sự hóa. Ngoài ra, chỉ số này còn tính đến các yếu tố nội bộ như tình hình bạo lực và tội phạm trong nước, cũng như các yếu tố bên ngoài như chi tiêu quân sự và chiến tranh.

Năm nay, Việt Nam đã vươn lên vị trí 41 trên bảng xếp hạng GPI, tăng 3 bậc so với năm ngoái. Tính riêng tại khu vực Đông Nam Á, chỉ số hòa bình của Việt Nam đang đứng thứ 3, sau Singapore (vị trí số 6) và Malaysia (vị trí số 19).

Việt Nam xếp thứ 41 trên bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu.
Việt Nam xếp thứ 41 trên bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu.

Danh sách năm nay cũng ghi nhận, Iceland vẫn là quốc gia hòa bình nhất trên thế giới, vị trí không bị lay chuyển kể từ năm 2008. Các quốc gia khác lọt vào top 10 của bảng xếp hạng gồm Đan Mạch, Ireland, New Zealand, Áo, Bồ Đào Nha, Slovenia, Nhật Bản và Thụy Sĩ.

Afghanistan là quốc gia kém hòa bình nhất thế giới trong năm thứ 8 liên tiếp. Phía trên đất nước Nam Á này là Yemen, Syria, Nam Sudan và CHDC Congo, những nơi đều đang chứng kiến chiến sự. Cũng bởi chiến sự, Ukraine ghi nhận mức độ suy giảm yên bình lớn thứ 4 thế giới, với 14 bậc giảm so với bảng xếp hạng năm ngoái và nằm trong nhóm 10 quốc gia kém yên bình nhất năm nay.

Nhìn chung, Viện Kinh tế và Hòa bình đánh giá năm nay, tình trạng toàn cầu kém yên bình hơn so với năm trước đó. Trong khi một số quốc gia cắt giảm chi tiêu cho quân sự, thì nhiều quốc gia khác lại tham gia vào các cuộc xung đột bên ngoài. Số người chết vì các cuộc xung đột trên khắp thế giới đạt mức cao nhất trong thế kỷ này. Chưa kể, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới (56%) có liên quan tới các cuộc xung đột bên ngoài.

Khoảng cách về mức độ hòa bình giữa các quốc gia tiếp tục nới rộng. Kể từ năm 2008, chỉ số của 25 quốc gia kém hòa bình nhất đã giảm trung bình 12,1%; trong khi 25 quốc gia hòa bình nhất có bộ chỉ số cải thiện 4,3%.

Tin bài liên quan