Vietcombank sẽ trở thành một tập đoàn đầu tư tài chính ngân hàng đa năng(Holdings)

Vietcombank sẽ trở thành một tập đoàn đầu tư tài chính ngân hàng đa năng(Holdings)

Vietcombank tạo sóng

(ĐTCK-online) Mặc dù tới ngày hôm nay (6/12), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới chính thức công bố thông tin về đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nhưng trước đó một tuần các thông tin về giá khởi điểm, khối lượng mua tối đa của nhà đầu tư, nhận định của các chuyên gia về sự tác động tới thị trường,… đã lần lượt được “tung lên” các phương tiện thông tin đại chúng.

Dù cho lãnh đạo Vietcombank có nói, sự kiện IPO của Ngân hàng không ảnh hưởng lớn tới thị trường thì cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng, tâm lý và các quyết định mua/bán của nhà đầu tư đang bị tác động không ít từ đợt IPO của một doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay. Và thực sự, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng, Vietcombank sẽ tạo một “cơn sóng” lớn cho thị trường, thay vì những cơn sóng nhỏ “dập dìu” từ sau đợt sụt giảm của thị trường hồi đầu năm.

 

Cơ bản đủ thông tin

Nếu nhà đầu tư có ý định nghiên cứu kỹ về Vietcombank trước khi quyết định đấu giá thì những thông tin đã đưa về ngân hàng này rầm rộ trong suốt 2 năm qua kể từ trước khi phát hành trái phiếu chuyển đổi là “tương đối đủ”, không cần phải chờ tới khi Vietcombank công bố thông tin.

Không chỉ các thông tin về chỉ tiêu hoạt động, mà thông tin về IPO cũng đã khá đủ từ khối lượng đem đấu giá công khai, khối lượng cổ phần tối đa mà nhà đầu tư được mua,… ngay cả mức giá khởi điểm khi cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa kịp công bố thì Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã thông báo hộ (ngày 4/12) để cho các nhà đầu tư đỡ phải “bàn ra tán vào”.

Mức giá khởi điểm 100.000 đồng/CP được nhiều chuyên gia chứng khoán cho là “hợp lý” ở nhiều góc độ. Mức giá này chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức đánh giá của đơn vị tư vấn nước ngoài, mà theo “thông lệ” của TTCK Việt Nam thì nhà đầu tư trong nước thường đánh giá giá trị của cổ phiếu cao hơn so với mức đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài. Mức giá này cũng được coi là hợp lý khi nó không quá thấp và cũng chẳng quá cao so với mặt bằng giá hiện tại của các cổ phiếu ngân hàng khác trên thị trường cũng như một số doanh nghiệp lớn khác, cho dù sự so sánh nào cũng có khập khễnh nhất định.

Quan trọng hơn, mức giá khởi điểm này hợp lý với cả tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư, thể hiện rõ ở 2 phiên đầu tuần này, TTCK đã xanh trở lại sau khi có tin về giá khởi điểm của Vietcombank.

 

Sẽ có sóng?

Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, mức giá khởi điểm của Vietcombank hiện được coi là hợp lý, nhưng để có thể đánh giá toàn diện sự tác động của đợt IPO Vietcombank tới cổ phiếu của ngành ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung thì phải chờ tới kết quả đấu giá.

“Trường hợp IPO của Bảo Việt hồi giữa năm nay đã tác động nhất định

Thông tin bổ sung về kế hoạch IPO Vietcombank

-          - Giá trị doanh nghiệp tính tới 0h ngày 31/12/2006 là 166.952 tỷ đồng

-          - Giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: 10.978 tỷ đồng

-          - Giá trị doanh nghiệp theo đánh giá lại: 243.835 tỷ đồng (giá trị phần vốn Nhà nước là 87.861 tỷ đồng).

-          - Cổ phần bán đấu giá công khai trong nước: 97,5 triệu cổ phần (6,5% vốn điều lệ). Dành cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 29,25 triệu cổ phần (30% khối lượng đem đấu giá).

-          - Một nhà đầu tư pháp nhân được mua tối đa 4 triệu cổ phần, nhà đầu tư thể nhân là 500 nghìn cổ phần.

-          - Giá chuyển đổi trái phiếu tăng vốn là mức giá đấu thầu thành công bình quân thực tế hình thành từ đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu.

Nguồn: Quyết định 2900/QĐ-NHNN

tới giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường, các nhà đầu tư là người hiểu rõ nhất điều này”, vị lãnh đạo này cho biết. “Vietcombank là ngân hàng lớn và có vị thế thị trường tốt hơn bất kỳ ngân hàng cổ phần nào hiện nay, chắc chắn rằng mức giá bình quân sau đấu giá sẽ có tác động tới các cổ phiếu ngân hàng khác trên thị trường, vấn đề là tác động theo chiều nào mà thôi”.

Trên thực tế, ngay sau khi công bố giá khởi điểm của Vietcombank, giá cổ phiếu của một số ngân hàng đã có sự chuyển hướng đi lên, tuy không mạnh mẽ. Nếu giá đấu bình quân được kéo lên cao hơn nhiều so với giá khởi điểm thì hoàn toàn có thể hy vọng vào một cơn sóng lớn với giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng sau đợt giảm mạnh thời gian vừa qua, và cơn sóng này có thể lan tới nhiều cổ phiếu các ngành khác.

Hy vọng là vậy, nhưng đang có một mối lo hiện hữu, đó là một số nhà đầu tư đang cạn vốn, khả năng sẽ phải bán bớt cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình để tham gia đấu giá, đây là một yếu tố rất khó lường cho thị trường trong vài ngày tới nếu lượng bán ra lớn bởi Vietcombank chỉ bỏ có… 97,5 triệu cổ phiếu để đấu giá. Dù giá có ở mức sàn là 100.000 đồng/CP thì cũng ngốn của nhà đầu tư tới 9.750 tỷ đồng, khoảng bằng giá trị 10 phiên giao dịch.

 

Chờ đợi

Vấn đề mà nhiều nhà đầu tư bắt đầu phải tính toán từ bây giờ đó là khả năng mức giá đấu thầu bình quân sẽ nằm ở khoảng nào? Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán, các nhà đầu tư nội sẽ là người quyết định điều này bởi trong đợt IPO Vietcombank tới đây, đã có một động tác nhẹ nhằm loại bỏ quyền quyết định hay quyền áp đặt giá đấu thành công của khối ngoại “lắm tiền, nhiều của” khi họ chỉ được mua ở mức tối đa 30% khối lượng cổ phần đấu giá. Tất nhiên, việc dành room nhỏ cho nhà đầu tư ngoại còn có những mục đích khác.

Cũng theo phân tích của vị lãnh đạo này, việc dùng một số kỹ thuật để thu hẹp lượng cung đang cho thấy sự mong muốn một mức giá thành công ở mức cao. Ngay từ đầu, việc tung ra có 6,5% vốn điều lệ đấu giá công khai đã cho thấy điều này, và bước tiếp theo để thu hẹp lượng cung là chỉ dành room 30% cho khối ngoại cũng không nằm ngoài ý định trên của nhà tổ chức.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, việc đặt mức giá bao nhiêu cần cân nhắc đến khả năng phát triển của Vietcombank, thay vì chỉ nhìn vào những gì ngân hàng này đang có. Rất nhiều yếu tố cần phải tính tới như mô hình hoạt động tương lai, việc niêm yết tại nước ngoài, sử dụng phần vốn thặng dư phát hành,… tất cả đều là các chi tiết mà nhà đầu tư cần phải cân nhắc.

Kế hoạch của Vietcombank là trở thành một tập đoàn đầu tư tài chính ngân hàng đa năng (Holdings). Theo mô hình này, Vietcombank sẽ trở thành một công ty con của Công ty Đầu tư tài chính (VCB Holdings), đồng thời một số công ty mới được thành lập để cung cấp dịch vụ và sản phẩm tài chính cũng như dịch vụ phi tài chính (đặc biệt liên quan đến bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng).

   

Kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu tới năm 2010

Đơn vị: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Tổng tài sản

200.914.606

245.375.194

296.666.962

375.063.860

Vốn tự có

12.981.202

19.040.301

23.696.028

27.424.221

Lợi nhuận sau thuế

1.853.954

2.598.498

3.347.878

4.290.363

Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu

15,4%

16,2%

15,7%

16,8%

Hệ số an toàn vốn

11,1%

12,8%

12,7%

12,0%

 

Kế hoạch tới năm 2015

-         Vốn chủ sở hữu đạt mức từ 2,5 - 3 tỷ USD

-         Tổng tài sản tăng trung bình 15% - 20%

-         Tỷ lệ trung bình hàng năm ROE là trên 15%

-         Tỷ lệ trung bình hàng năm ROA là 1,2%

-         Chỉ số an toàn vốn (CAR) từ 10 - 12%

Nguồn: Vietcombank