Vietravel Airlines và hành trình hồi sinh

Vietravel Airlines và hành trình hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận giấy phép thành lập vào tháng 4/2020, hãng hàng không trẻ Vietravel Airlines đã có hơn 2 năm bị bão táp Covid-19 vùi dập. Có thời điểm, Hãng phải đối mặt với tình trạng doanh thu bằng 0. Nhưng khi đại dịch dần được kiểm soát, Hãng nỗ lực nâng công suất và mở đường bay quốc tế. Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc hãng hàng không này cho biết, “Vietravel Airlines đang trên hành trình hồi sinh với sứ mệnh kết nối của hãng hàng không của sự trải nghiệm”. 

Nhìn lại chặng đường đầy gian nan gần 3 năm qua của Vietravel Airlines vừa qua, ông có cảm xúc gì?

Vietravel Airlines được cấp phép hoạt động vào ngày 3/4/2020. Thời điểm đó, cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19. Trong giấy phép có một điều khoản Vietravel Airlines phải triển khai bay trong năm 2020, có nghĩa là trong vòng 8,5 tháng, hãng phải có chuyến bay đầu tiên. “Dịch đến rồi, vậy có làm không”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel hỏi vậy và quyết sẽ làm. Đó là quyết tâm rất lớn của người đứng đầu.

Vietravel Airlines được cấp giấy phép vận chuyển hàng hàng không ngày 25/12/2020, nhận chứng chỉ tàu bay AOC. Ngày 26/12/2020, Vietravel Airlines bay chuyến đầu tiên Hà Nội - TP.HCM, sau đó là các đường bay đi Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang. Chúng tôi bay trong nước mắt, trong niềm xúc động.

Nhưng từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2021, Vietravel Airlines tạm dừng bay vì Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Đến tháng 10/2021, hãng đã trở lại với công suất 30% và đến 6//12/2021, chúng tôi quyết định bay hết công suất khi dịch bệnh dần được kiểm soát ổn định.

Vietravel Airlines vừa tròn 1 năm bay chính thức. Trong thời gian đó, chúng tôi đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt giá dầu thô có thời điểm lên đến 147 USD/thùng. Chi phí xăng dầu chiếm 57% chi phí một chuyến bay. Xăng dầu tăng gây khó khăn lớn với các hãng hàng không. Các hãng bay lâu có kinh nghiệm còn đỡ, Vietravel Airlines là hãng hàng không non trẻ, sau đại dịch gặp vấn đề xăng dầu càng xơ xác.

Để có được hành trình hồi sinh mạnh mẽ, chúng tôi có sự quyết tâm lớn của người đứng đầu Tập đoàn, cùng nhau vượt lên, thực hiện sứ mệnh của hãng hàng không du lịch đầu tiên, kết nối các điểm đến du lịch.

Cuối năm 2022, Vietravel Airlines đã ghi dấu ấn mới trong lịch sử phát triển của mình khi chính thức mở đường bay quốc tế đầu tiên Hà Nội - Bangkok. Tại sao Vietravel Airlines lại lựa chọn Thái Lan là thị trường đầu tiên trong hành trình khai thác thị trường quốc tế?

Tổng quy mô dân số của Thái Lan và Việt Nam là 170 triệu người. Trước đại dịch, lượng khách vận chuyển giữa hai nước năm 2019 là 3,3 triệu người, tăng 27% so với năm 2018. Khi đại dịch diễn ra, Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Lượng khách Thái Lan đến Việt Nam đứng thứ ba trong cơ cấu khách du lịch quốc tế thời gian qua. Đây là cơ sở để Vietravel Airlines chọn Thái Lan là điểm đến đầu tiên trong kế hoạch mở đường bay quốc tế.

Sau chặng bay Hà Nội - Bangkok, chúng tôi đặt mục tiêu mở tiếp chặng bay TP.HCM - Bangkok và đến tháng 4/2023 có thể mở chặng bay Hà Nội - Hàn Quốc, đến cuối năm 2023 là Hà Nội - Nhật Bản. Vietravel Airlines nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh hãng hàng không đầu tiên kết nối các điểm đến du lịch quốc tế.

Vậy kế hoạch năm 2023 của Vietravel Airlines thế nào khi các thách thức vẫn hiện hữu?

Chúng tôi xác định có hai thách thức lớn mà hãng phải đối mặt trong năm 2023. Thứ nhất, dịch bệnh khiến thị trường đứt gãy vẫn để lại dư chấn. Du lịch vẫn tập trung ở thị trường nội địa nên với số lượng hơn 200 tàu bay của các hãng khai thác thị trường trong nước, cung sẽ vượt cầu, giá bán thấp, phần thu của hãng sẽ giảm đi. Thứ hai là giá xăng dầu cao, bình thường giá xăng dầu khoảng 60 - 70 USD/thùng, có thời điểm lên đến 140 USD/thùng, tức tăng gấp đôi. Chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán giảm đi khiến doanh nghiệp khó khăn.

Năm 2022, khi thị trường phục hồi, Vietravel Airlines đã nhanh chóng khôi phục một số đường bay cũ và đẩy nhanh thực hiện khai trương đường bay quốc tế thường lệ đầu tiên. Năm 2023, tôi kỳ vọng mọi thứ tốt hơn bởi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn, các đường bay quốc tế được mở và thị trường Trung Quốc mở cửa. Đây là động lực lớn, bởi sức cầu du lịch của thị trường này cao. Các chỉ số cho thấy thị trường du lịch đang phục hồi tốt, khi châu Âu bất ổn, khách du lịch đang dồn sang châu Á, trong đó có Việt Nam. Chúng ta khai thác ổn định và thường xuyên mở rộng dư địa tăng trưởng trong năm nay.

Chúng tôi cũng nhìn thấy tín hiệu tích cực giá xăng dầu đang xuống. Xăng dầu chiếm tỷ lệ lớn trong cấu trúc chi phí của doanh nghiệp hàng không, nên động thái này mở ra triển vọng sáng cho hãng.

Vietravel Airlines dự tính khi nào có thể cân bằng thu chi và bắt đầu có lãi?

Thông thường, một hãng hàng không sẽ có lãi sau khoảng 3 - 5 năm hoạt động. Nhưng Vietravel Airlines mở ra đúng lúc đại dịch Covid-19 xuất hiện và kéo dài suốt 2 năm, ngành hàng không bị tê liệt nên năm 2020 - 2021 không tính tới, còn năm 2022 có quá nhiều biến động của nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tính từ năm 2023 trở đi, cộng thêm 3 năm nữa là năm 2026, dự kiến chúng tôi sẽ có lãi, nếu thị trường không có biến động lớn.

Là hãng hàng không non trẻ, Vietravel Airlines có chiến lược gì để cạnh tranh với các hãng khác?

Việt Nam có 5 hãng hàng không có đường bay quốc tế. Các hãng quốc tế đến Việt Nam cũng nhiều, riêng tại Hà Nội một ngày có 12 chuyến từ Bangkok đến. Vietravel Airlines có khách riêng của công ty du lịch, ngoài ra còn bán khách lẻ. Chúng tôi có chiến lược linh hoạt và thay đổi từng thời điểm để phù hợp.

Hãng có thế mạnh lớn về khách du lịch nước ngoài (outbound), Vietravel Holiday có thể đảm bảo 40% thị phần khách, đây là cơ sơ để Vietravel Airlines tiếp tục mở rộng khai thác.

Chúng tôi xây dựng nhiều chương trình như kết nối văn hóa, chương trình ẩm thực của các nước trên mỗi chuyến bay nên hành khách rất thích.

Tin bài liên quan